Những bộ sử thi Bahnar Kriêm quý giá
Tập sách “Sử thi Bahnar Kriêm” (tập 2) vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phối hợp với Hội VH&NT các dân tộc thiểu số Việt Nam (Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam) phát hành. Tập sách là công trình nghiên cứu do cố nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao làm chủ biên, dày gần 900 trang, giới thiệu các sử thi: Linh Hrik; Bya Lingkoong; Dyông Dư; Đăm Pen; Dyông Wiwin….
Người Bahnar hiện sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên, có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo nhóm địa phương, như: Gơlơng, Tôlô, Gơlai, Kriêm… Trong đó, người Bahnar Kriêm chủ yếu sinh sống ở địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Người Bahnar có nền văn hóa khá độc đáo và đặc sắc. Đồng thời, mỗi nhóm địa phương Bahnar lại có những sắc thái văn hóa riêng, trong đó có thể gọi mỗi sử thi là một tác phẩm tổng hợp. Nó thu hút hầu hết các giá trị văn hóa nghệ thuật vốn có của dân tộc, như: Thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng… để chuyển hóa thành một tác phẩm tự sự bằng văn vần nhằm diễn đạt chủ đề tác phẩm và tư tưởng của cộng đồng… Người Bahnar Kriêm còn lưu giữ hàng chục bản sử thi độc đáo. Nội dung cốt lõi của các sử thi là sự khẳng định cái thiện, cuộc đấu tranh với cái ác và chiến thắng tất yếu của cái thiện…
Sử thi Đăm Pen trong hơamon Bahnar Kriêm là một điển hình. Đăm Pen của Bahnar Kriêm khá giống với Thánh Gióng của người Kinh, có điểm khác là nếu Thánh Gióng bay về trời sau khi diệt xong giặc Ân thì Đăm Pen không chỉ diệt kẻ thù, cứu cha mẹ, cứu được cả bộ tộc thoát khỏi nanh vuốt Bok Grơă - một dạng người thú nham hiểm, ác độc, chuyên ăn thịt người, người anh hùng cùng bộ tộc trở về làng cũ.
Trong khi đó, Dyông Dư là một người khá kỳ dị, với thân hình to lớn, mắt lồi, miệng rộng, tai to, ăn khỏe, ngủ say tới mức phải nấu chì... đổ vào lỗ tai mới thức. Tiếc rằng, của cải, quyền lực đã đẩy người anh ruột của Dyông Dư là Đăm Joong trở mặt với các em. Và sử thi Dyông Dư là một bi kịch hiếm thấy trong các sử thi Bahnar.
Trong tập “Sử thi Bahnar Kriêm” tập 2, đáng chú ý, bên cạnh phần tiếng Việt, nhà nghiên cứu Hà Giao đã giới thiệu toàn văn các sử thi: Linh Hrik; Bya Lingkoong; Dyông Dư; Đăm Pen; Dyông Wiwin... bằng tiếng Bahnar Kriêm. “Sử thi Bahnar Kriêm” là một tập sách quý không chỉ với những người yêu mến dân tộc và văn hóa Bahnar Kriêm, mà cả những ai muốn tham khảo, trau dồi kiến thức về văn hóa dân tộc và văn hóa Bahnar nói riêng.
VIẾT HIỀN