Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Là “đòn gánh” của đất nước, miền Trung phải mạnh lên
Ví miền Trung như chiếc “đòn gánh”, Thủ tướng nhấn mạnh "đòn gánh yếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt tay chào mừng các đại biểu tham dự tại Hội nghị.
Sáng nay (20.8), tại TP Quy Nhơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung và 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương; đại diện của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các hiệp hội, ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Về phía tỉnh Bình Định, tham dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng; các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng và sức thu hút của Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, thể hiện qua con số hơn 700 đại biểu từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cho đến các địa phương; đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
“Nhìn vào bản đồ Việt Nam thì miền Trung của chúng ta như là "xương sống" của đất nước. Chúng ta cũng hay gọi thân thương là “khúc ruột miền Trung”. Một cách ví von khác là miền Trung như chiếc “đòn gánh”, nếu đòn gánh yếu thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của miền Trung không chỉ ở vị trí là kinh tế mà còn là an ninh, quốc phòng. Thủ tướng yêu cầu, phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh mà là của lãnh đạo các cấp, Nhà nước, để thấy tầm quan trọng của miền Trung trong sự phát triển KT-XH của đất nước. “Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn các bộ, ngành cần phải thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” từ bộ, ngành mình, từ các tỉnh miền Trung, để tìm ra những giải pháp, chính sách sát thực, cụ thể nhằm tháo gỡ ách tắc, phát triển kinh tế miền Trung trong giai đoạn mới”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Đề nghị không cần nêu thành tựu, thực trạng, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị tập trung vào thảo luận các định hướng lớn trong thời gian tới, đặc biệt là đề xuất các ý tưởng, giải pháp có thể triển khai phát triển kinh tế ngay năm 2020 và 5 năm tới.
Thủ tướng thăm gian hàng trưng bày tại hội nghị.
Với định hướng này, Thủ tướng gợi ý những góc nhìn cho thấy 14 tỉnh khu vực miền Trung có bước phát triển khá nhanh, nhưng xét về tiềm năng, cần thiết phải đưa tỷ trọng đóng góp của khu vực cho cả nước ở mức cao hơn, để thấy “suốt ruột” hơn. Một góc nhìn khác là kim ngạch xuất khẩu của cả vùng còn thấp. Trong khi đó, dù có thế mạnh về du lịch nhưng doanh thu du lịch của cả khu vực hiện chỉ chiếm chưa được 20% cả nước. Vậy, miền Trung phải xác định chính sách động lực của chúng ta là gì để phát triển? Ngành động lực phát triển của vùng là gì? Những câu hỏi này cần được trả lời rõ hơn để tìm ra những giải pháp tháo gỡ, phát triển cả về năng suất lẫn chất lượng.
“Chúng ta cần bàn những giải pháp cụ thể hơn để miền Trung tăng tốc phát triển cao hơn, có quy mô lớn hơn. 5 trụ cột kinh tế mà nhà nghiên cứu đã nêu, chúng ta cần thảo luận để vận dụng điều ấy. Miền Trung phải tăng tốc hơn, phát triển năng động hơn. Lấy dẫn chứng ngay khu vực đang diễn ra hội nghị, sau 3 - 4 năm đã trở thành đô thị du lịch lớn, với khách sạn hạng sang. Phải chăng đây cũng là một trong những câu trả lời cho thế mạnh mà chúng ta cần phát huy?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở vấn đề.
Đại biểu tham dự Hội nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ yếu tố con người - tài sản rất quan trọng của miền Trung - cũng là một vấn đề cần chú trọng đầu tư. Thủ tướng khẳng định liên kết vùng là bài toán sống còn của tất cả các địa phương miền Trung…
Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung nhằm tìm ra các giải pháp tạo bứt phá trong phát triển KT-XH của vùng, với việc tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách để giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố phát triển bền vững, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch biển đảo và những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển miền Trung.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe các ý kiến, hiến kế của đại diện các hiệp hội trong và ngoài nước, các học giả, chuyên gia, doanh nhân, lãnh đạo các địa phương. Từ đó, đề ra các giải pháp, chính sách nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng, đưa vùng trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất nước; làm sao để phát triển vùng mang tính hữu cơ, liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng thành một thể thống nhất, chứ không chỉ là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng.
NHÓM PV BÁO BÌNH ĐỊNH