Chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cần có chiến lược rõ ràng để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh thắng, lợi thế của các tỉnh ven biển để phát triển kinh tế.
Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Kinh tế 14 tỉnh vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng các năm 2017, 2018 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước. Tổng GRDP của vùng đến năm 2018 đạt khoảng 963 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 19,2% GDP cả nước, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 18,07%, dịch vụ 20,84%, nông lâm ngư nghiệp 21,15%, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước.
Mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước của vùng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016 - 2018; năm 2016 mức đóng góp 18,83%, đến năm 2017 tăng lên 18,87%, năm 2018 đạt 19,28%.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 7,3%/năm, đứng thứ 3 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2018, có 10/14 địa phương tăng trưởng đạt cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước, trong đó có Bình Định 7,32%.
Chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo xu hướng tích cực, kinh tế biển và vùng ven biển đang trở thành động lực phát triển của vùng, trong đó công nghiệp và dịch vụ giữ vai trò chủ đạo.
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển biến tích cực và dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Các ngành du lịch, khách sạn và vận tải (hàng không và đường biển) phát triển khá nhanh, trong đó ngành du lịch, dịch vụ khách sạn chiếm tỷ trọng đáng kể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Các tỉnh miền Trung phải vươn ra quốc tế bằng cảng biển và sân bay. Phải kết nối với các tỉnh Tây Nguyên để vừa phát triển, vừa giải quyết nhiều vấn đề khác nữa".
Cơ cấu kinh tế toàn vùng miền Trung đến năm 2018, khu vực dịch vụ chiếm 41,59%, khu vực công nghiệp 32,85%, khu vực nông, lâm ngư nghiệp 16,75% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm 8,81%. Trong 14 địa phương, có 4 tỉnh cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao trên 35%, 10 tỉnh còn lại có cơ cấu kinh tế với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn.
Cơ cấu kinh tế các địa phương trong vùng miền Trung đang có sự phân hóa rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang dịch chuyển theo hướng: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trong đó công nghiệp giữa vai trò chủ đạo. Vùng Duyên hải miền Trung là: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó khu vực dịch vụ đang giữ vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đồng thời chỉ ra, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên chưa có sự cạnh tranh khác nhau.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - QL 1A và hành lang Đà Nẵng - QL 14B - 14D - Nam Giang - Đông - Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng là hết sức hạn chế.
Xuất khẩu của cùng tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu. Hàng hóa xuất khẩu (trừ một số dự án lớn) còn lại chủ yếu hàng dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ còn lại là dăm gỗ, giá trị nhìn chung thấp.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nêu những giải pháp cụ thể để cải thiện bức tranh kinh tế các tỉnh miền Trung.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP giai đoạn 2016 - 2018 có xu hướng giảm, GRDP năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước. Thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22 - 25%.
Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp. Nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán, đặc biệt tại các tỉnh Nam trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22 - 23%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (8,7%) so với bình quân cả nước (6,8%). Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, mặc dù kinh tế miền Trung đạt được nhiều kết quả vượt bậc nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, "điểm nghẽn". Bộ KH&ĐT đã đưa ra những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế các tỉnh đi đúng hướng trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ tổ quốc và túi thuốc cho các ngư dân tiêu biểu tỉnh Bình Định.
1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây nguyên, hợp tác cùng phát triển.
Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.
2. Nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tổng biên tập Báo Người Lao động trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ cho ngư dân Bình Định.
3. Nhóm giải pháp về nguồn lực
Ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng.
Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển KT-XH của vùng.
Đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.