Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Miền Trung phải xốc tới, các bộ, ngành phải ghé vai vào
Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh, miền Trung cần cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung cần cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển.
Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung hôm nay có thể xem là sự tiếp nối của nhiều vấn đề còn đặt ra qua các hội nghị phát triển vùng, phát triển ngành đã được tổ chức trong những năm qua ở các tỉnh miền Trung. Thủ tướng đã chỉ ra 9 “điểm nghẽn”, nút thắt, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của khu vực miền Trung, cụ thể: Động lực tăng trưởng nói chung, trong đó vai trò của công nghiệp còn yếu và thiếu bền vững. Cơ cấu cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm và vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành. Tiềm năng “rừng vàng - biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung đang dần được hình thành nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng. Một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhưng rất thiếu bền vững. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế…
Các địa phương nên từng bước nhìn nhận lại vấn đề, đưa ra giải pháp, cách làm phù hợp của địa phương mình, tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể như đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của vùng; tính liên kết vùng trong phát triển… từng bước tháo “điểm nghẽn”, đưa kinh tế khu vực miền Trung phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phân tích tình hình của địa phương mình, đồng thời đặt địa phương vào bối cảnh toàn vùng để cùng nhau tìm ra “cổng kết nối” phù hợp. Với Bình Định, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định được xác định là cực tăng trưởng phía Nam của vùng. Do đó, sự phát triển của Bình Định không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển toàn vùng mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam của vùng như: Phú Yên, Khánh Hòa và đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Bình Định đã và đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng có, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là tìm hướng đi có tính đột phá trong phát triển công nghiệp gắn với dịch vụ cảng biển, logistics trên cơ sở phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên; xây dựng hoàn thiện khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI)… Đồng thời, tỉnh luôn xác định muốn phát triển KT-XH bền vững, Bình Định phải gắn kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội và phân công, hỗ trợ, bổ sung cho nhau những gì địa phương mình còn thiếu.
Bình Định kỳ vọng Trung ương sẽ quan tâm hơn nữa về chính sách cũng như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để phát huy vai trò là một tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung như: Trong quy hoạch cũng như đầu tư các dự án lớn quốc gia cần quan tâm đến tính liên tục trong đầu tư của vùng. Chẳng hạn như đường cao tốc Bắc - Nam đến nay chưa được đầu tư hoàn chỉnh đoạn từ Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế của tỉnh, đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng.
Đà Nẵng với vai trò trung tâm KT-XH của miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, cho biết, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kế hoạch phát triển đưa thành phố ngày một năng động, phù hợp với vai trò trung tâm kinh tế vùng. Trong mối quan hệ hợp tác cùng phát triển, Đà Nẵng coi trọng yếu tố liên kết vùng, xem đó chính là yếu tố then chốt từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh, thành trong khu vực. Để phát triển kinh tế vùng miền Trung, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào khu vực miền Trung. Đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng các tỉnh miền Trung, tạo điều kiện phát triển kinh tế, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ bố trí ngân sách tập trung cho các hạng mục đầu tư công hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của toàn vùng, phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 100% các địa phương đều có biển, do đó cần xác định vùng này là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển; trong đó tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa, lịch sử; khu vực kinh tế ven biển. Trong vai trò của mình với sự phát triển kinh tế khu vực, trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ưu tiên, đặt vấn đề liên kết phát triển kinh tế vùng miền Trung lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển.
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho rằng miền Trung đang đứng trước cơ hội phát triển thịnh vượng, cần cơ chế vượt trội để phát triển.
Trăn trở cùng sự phát triển của miền Trung, TS Trần Du Lịch, cho rằng, đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn sợ gãy nữa”. Để phát triển, miền Trung cần có thể chế, cơ chế vượt trội. Trong 20 năm qua, với nỗ lực của Trung ương, sự năng động của địa phương, vùng bắt đầu “thay da, đổi thịt”. “Miền Trung với tiềm năng, dư địa phát triển lớn có khả năng tăng trưởng 9 - 10%/năm trong 10 - 15 năm tới”, TS Trần Du Lịch, nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, miền Trung cần thêm những mô hình kinh tế khác biệt để phát triển. Ví dụ như Bình Định đầu tư vào phát triển khoa học.
Khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, miền Trung như “đòn gánh” gánh hai đầu đất nước. Các tỉnh miền Trung có lợi thế phát triển của mình là hướng ra biển, gắn với Tây Nguyên. Các tỉnh phải vươn ra quốc tế bằng cảng biển và sân bay. Phải kết nối với các tỉnh Tây Nguyên để vừa phát triển, vừa giải quyết nhiều vấn đề khác nữa. Đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế đi cùng các vấn đề xã hội, cố gắng hình thành một số trung tâm. Không chỉ đầu tư ngân sách mà còn là đầu tư cơ chế. Các tỉnh cần năng động, đi trước để phát triển các mô hình kinh tế. Về vấn đề này, Bình Định đi trước để tạo dựng mô hình phát triển khác biệt, đó là để dành đất làm không gian khoa học, Bình Định có bước đi mà ngay cả nhiều tỉnh như TP Hồ Chí Minh cũng phải học hỏi. Do đó, ngoài việc ưu tiên chính sách, đặc biệt chúng ta phải huy động được các DN lớn, đầu đàn trong phát triển kinh tế, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ KT-XH phát triển cao, bền vững của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Việc phát triển kinh tế miền Trung không phải là việc của 14 tỉnh, thành trong khu vực mà đó là nhiệm vụ của bộ, ngành các cấp. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải ghé vai vào, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách của lĩnh vực, của ngành mình hỗ trợ cho khu vực miền Trung; đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc định hướng phát triển KT-XH của vùng.
Trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định
Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, tiếp thêm tinh thần cho ngư dân Bình Định nói riêng, ngư dân trên 28 tỉnh thành ven biển trong cả nước nói chung vươn khơi bám biển, trong khuôn khổ Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, diễn ra ngày 20.8 tại TP Quy Nhơn, Báo Người Lao động phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc, túi thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho ngư dân tiêu biểu trong tỉnh.
Trao tặng cờ Tổ quốc cho những ngư dân tiêu biểu của tỉnh Bình Định.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng và ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người lao động đã trao tặng tượng trưng 10.000 lá cờ, 20 túi thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu trên biển cho 20 ngư dân tiêu biểu tỉnh Bình Định và đại diện Sở NN&PTNT Bình Định.
Trao chứng nhận đăng ký 15 dự án đầu tư tại Bình Định
Trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư dự án tại tỉnh ta.
Tại Hội nghị lần này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Bình Định tổ chức trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư.
NHÓM PV BÁO BÌNH ĐỊNH