“Lâm li” và “lâm thâm”
Theo Từ điển tiếng Việt, lâm li là “buồn thảm, gây thương cảm” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.547), lâm thâm là “(mưa) nhỏ, mau hạt và kéo dài” (sđd, tr.548). Chính hình thức trùng lặp âm thanh (phụ âm /l/ ở lâm li và vần /-âm/ ở lâm thâm) cùng sự mờ nghĩa của các yếu tố của chúng đã khiến nhiều người nhầm lẫn đây là những từ láy, nhưng thực chất chúng lại là một tổ hợp ghép và một tổ hợp chủ - vị.
Lâm li và lâm thâm đều là những từ gốc Hán. Trong lâm li, cả lâm và li cùng thuộc bộ thủy (liên quan đến nước) và đều có nghĩa là “ướt át”. Như vậy, lâm li là một tổ hợp ghép đẳng lập, nghĩa gốc là “ướt át”, rồi phái sinh nghĩa “buồn rầu thấm thía”. Vào tiếng Việt, nghĩa gốc của nó không được dùng nên dần mất đi. Đây là lý do khiến nhiều người nhầm rằng lâm và li trong lâm li là những yếu tố mờ/không xác định được nghĩa. Điều này tương tự trường hợp hùng hổ như đã trình bày trên Báo Bình Định số ra ngày 17.7.2019.
Trong từ lâm thâm, lâm thuộc bộ vũ (liên quan đến mưa gió, thời tiết nói chung), có nghĩa là “mưa dầm”, thâm thuộc bộ thủy, nghĩa là “thấm ướt”. Lâm thâm là một tổ hợp theo cấu trúc chủ - vị, có thể hiểu là “mưa dầm thấm ướt”. Vào tiếng Việt, nét nghĩa này được bảo lưu.
Ngoài hai yếu tố lâm trên, trong tiếng Việt còn một số yếu tố lâm gốc Hán khác. Xin nêu ra hai trường hợp phổ biến:
- Lâm (3) thuộc bộ mộc, có nghĩa là “rừng cây”. Đây là hình vị rất quen thuộc, xuất hiện trong nhiều từ như lâm nghiệp, lâm sản, lâm tặc, lâm trường, lâm tuyền, kiểm lâm, sơn lâm…
- Lâm (4) thuộc bộ thần, có nghĩa là “đi đến, tới nơi, kề, kịp, mắc phải”. Đây là hình vị xuất hiện trong nhiều từ nhưng khá xa lạ với không ít người, như trong lâm bệnh (mắc bệnh), lâm bồn (đến cái chậu, chỉ lúc sinh đẻ), lâm chung (đến lúc kết thúc, tức lúc sắp qua đời), lâm hành (kịp lúc đi), lâm nạn (mắc nạn), lâm sàng (đến giường [bệnh], chỉ những gì có thể trực tiếp quan sát được ở bệnh nhân đang ở trên giường bệnh), lâm nguy (mắc nguy khốn), lâm thời (đến lúc, tạm thời), lâm trận (ra trận)…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ