Phải có quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển
Chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại TP Quy Nhơn ngày 20.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 14 tỉnh miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Chính vì thế, Thủ tướng cho rằng, miền Trung phải xốc tới; lãnh đạo các tỉnh, thành của khu vực phải có quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với tinh thần “ngay bây giờ, hoặc không bao giờ”. Thủ tướng cũng yêu cầu, là “đòn gánh” của đất nước, miền Trung phải mạnh lên.
Tại hội nghị, đánh giá về sự phát triển KT-XH vùng miền Trung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Động lực tăng trưởng còn yếu
Tuy nhiên, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng miền Trung còn thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên chưa có sự cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (người đứng) cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam; Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đồng chủ trì Hội nghị.
Đáng chú ý hơn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. “Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - QL 1A và hành lang Đà Nẵng - QL 14B - 14D - Nam Giang - Đông - Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng còn hết sức hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thẳng những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của vùng.
“Mỗi địa phương của miền Trung như một “đốt sống” kinh tế, nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo. Tình trạng phân mảnh về thể chế chính sách, cạnh tranh giành nguồn lực thay cho hợp tác và chia sẻ lợi ích đang làm cho nguồn lực khan hiếm bị lãng phí và không hiệu quả”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Nhận diện 9 “nút thắt” ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của khu vực miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, động lực tăng trưởng nói chung, trong đó vai trò của công nghiệp của cả vùng còn yếu và thiếu bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm và chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành. Trong khi đó, tiềm năng “rừng vàng - biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả... Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh, thành nói riêng cũng như toàn vùng nói chung dần được hình thành, nhưng còn thiếu vắng và chưa đồng bộ; đặc biệt trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng.
Gỡ nút thắt cơ chế, tạo sức bật mới
“Một số tỉnh, thành đã hình thành được một số dự án lớn mang tính động lực trong khi một số tỉnh vẫn chưa có dự án động lực quan trọng nào. Ngay cả các tỉnh có ngành kinh tế động lực, việc tập trung vào một ngành, dự án quá lớn có thể dẫn đến rủi ro kinh tế, sự phụ thuộc, bấp bênh và không bền vững”, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.
Bình Định nỗ lực thu hút dự án đầu tư trọng điểm
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 nhà đầu tư vào tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 79 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký hơn 724 triệu USD); 281 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 71.690 tỷ đồng (trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội có 43 dự án, vốn đăng ký gần 21.095 tỷ đồng).
Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung lần này là sự tiếp nối của nhiều vấn đề đã được đặt ra từ các hội nghị phát triển vùng, phát triển ngành đã được tổ chức trong những năm qua ở các tỉnh miền Trung. Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu quan điểm, trong phát triển kinh tế miền Trung, quy hoạch phát triển vùng là rất quan trọng. Quy hoạch này phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là các lĩnh vực như lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo và du lịch. Cùng với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông Chiến cũng nhấn mạnh đến vai trò các nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư lớn.
TS Trần Du Lịch phân tích, với tiềm năng, dư địa phát triển dồi dào, vùng có khả năng tăng trưởng 9 - 10%/năm trong 10 - 15 năm tới. Để phát triển vùng mạnh mẽ, nhất thiết phải phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó phát triển công nghiệp chế biến phải gắn với lợi thế khai thác kinh tế biển, rừng. Bên cạnh phát triển các cảng phải phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là phải tháo gỡ các nút thắt về thể chế. Chính phủ cần sớm nghiên cứu ban hành một thể chế, cơ chế vượt trội để miền Trung phát triển. “Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là “đòn gánh” yếu nữa. Gỡ nút thắt cơ chế thì “đi” thôi đã nhanh mà không cần “chạy””, TS Trần Du Lịch nói.
Câu chuyện gỡ vướng cơ chế, thể chế cho sự phát triển kinh tế vùng miền Trung cũng được hai Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam nhấn mạnh rất cần thiết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với lợi thế biển, các tỉnh phải vươn ra quốc tế bằng cảng biển và sân bay, tạo sức bật mới cho “mặt tiền biển”. Đồng thời, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên để vừa phát triển, vừa giải quyết nhiều vấn đề khác nữa. Tuy nhiên, “hiện chúng ta đang vướng mắc nhiều về cơ chế chính sách cho vùng phát triển. Trung ương cũng nên tính đến cơ chế giao trách nhiệm cho từng vùng, từng địa phương, sau đó tổng kết lại để rồi nhân rộng, hoặc rút kinh nghiệm, tránh cứng nhắc một cơ chế chung cho các vùng kinh tế nói chung”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Miền Trung phải xốc tới
Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10 - 15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành khu vực có tốc độ phát triển KT-XH cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ cao hơn. Chính vì thế, phải có tinh thần tăng tốc ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định, miền Trung như chiếc “đòn gánh” của đất nước, “đòn gánh” yếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, không nên xem nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng miền Trung là việc của chỉ 14 tỉnh, thành trong vùng mà là của cả nước. Ngay tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách của từng lĩnh vực, từng ngành để hỗ trợ cho khu vực miền Trung; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc phát triển KT-XH của vùng.
Theo đó, 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ nút thắt được Thủ tướng chỉ ra cho các tỉnh khu vực miền Trung là: Cơ chế chính sách; liên kết vùng, liên kết các ngành, các lĩnh vực cùng phát triển; nguồn lực. Miền Trung phải vận dụng chiến lược phát triển kinh tế biển, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế: Ngư nghiệp; du lịch; cảng biển và dịch vụ logistics; công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; năng lượng tái tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng và xây dựng thể chế phát triển vùng, bao gồm cả việc phải phân lại vùng kinh tế một cách hợp lý hơn; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, thực sự là nơi “đất lành chim đậu”.
10.000 lá cờ Tổ quốc được trao cho ngư dân Bình Định
Hoạt động ý nghĩa này được Báo Người Lao Ðộng phối hợp UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức ngay trong khuôn khổ hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh Nguyễn Thanh Tùng và Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng Tô Ðình Tuân đã trực tiếp trao cờ Tổ quốc, túi thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu trên biển cho 20 ngư dân tiêu biểu của tỉnh Bình Ðịnh và đại diện Sở NN&PTNT Bình Ðịnh.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định.
Ông Tô Ðình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng, cho biết, hoạt động này nằm trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao Ðộng thực hiện nhằm tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước vững tin vươn khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Qua đó, gửi thông điệp kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bình Ðịnh là địa phương thứ 8 tiếp nhận cờ Tổ quốc trong chương trình này.
NHÓM PHÓNG VIÊN KT - VH - XH
Bài viết của nhóm rất hay và có động lực cho tỉnh nhà nhưng sử dụng từ theo cá nhân chưa hợp cho lắm,nhằm để có động lực phát triển và đẩy mạnh phát triển, không chứ không đưa ra những cụm từ như không còn đường thoát như vậy. cảm ơn ....., miền Trung phải xốc tới; ......“ngay bây giờ, hoặc không bao giờ”.