Cần hỗ trợ vốn để phát triển trồng rừng gỗ lớn
Rừng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 126 nghìn héc ta rừng trồng, trong đó rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân chiếm 70%. Bình Định có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng trồng, nhưng người dân chỉ trồng rừng gỗ nhỏ, khoảng 6 - 7 năm tuổi là khai thác để bán, lợi nhuận chỉ đạt từ 40 - 60 triệu đồng/ha. Nếu để đến 10 năm tuổi, thành rừng gỗ lớn, lợi nhuận khi thu hoạch sẽ tăng từ 2 - 3 lần trên cùng một đơn vị diện tích. Không những tăng hiệu quả kinh tế, trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần chống xói lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái… Lợi ích lâu dài của việc phát triển trồng rừng gỗ lớn là khá cao, song người trồng rừng không mấy mặn mà.
Người dân xã An Quang (huyện An Lão) khai thác rừng trồng.
Ông Đinh Văn Thuộc, ở thôn 2, xã An Quang (huyện An Lão), cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 3 ha keo lai với chu kỳ khai thác từ 4 - 5 năm, cao lắm 7 - 8 năm là phải khai thác. Phải làm vậy mới có vốn tái đầu tư sản xuất. Đối với hầu hết các hộ trồng rừng, đặc biệt là ở khu vực miền núi như huyện An Lão, các khoản chi tiêu cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày gần như dựa hẳn vào rừng trồng của gia đình nên ngay khi có thể thu hoạch để bán, đồng bào bán ngay. Muốn trồng rừng gỗ lớn phải có nhiều vốn đầu tư”.
Vốn đầu tư để có thể theo đuổi việc trồng rừng gỗ lớn có lẽ là vấn đề đầu tiên và lớn nhất mà hầu hết các hộ dân theo nghề trồng rừng gặp phải hiện nay. Ông Hồ Đức Độ, ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), bộc bạch: “Tôi trồng 10 ha keo lai, khi keo đến 6 - 7 năm tuổi tôi mới thu hoạch. Chỉ như vậy mà cũng vất vả lắm mới cầm cự được. Phải khai thác để còn có tiền trả nợ vay ngân hàng. Ai trồng rừng cũng biết trồng rừng gỗ lớn sẽ thu lợi rất nhiều, nhưng cùng với đó rủi ro cũng nhiều hơn. Ví dụ chỉ một cơn bão quét qua rừng trồng là thiệt hại đếm không xuể. Chính vì những lý do như vậy nên dù biết có nhiều lợi ích, tôi vẫn chưa dám đầu tư để trồng rừng gỗ lớn”.
Tỉnh Bình Định hiện là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ và lâm sản lớn của cả nước. Thế nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh hiện đang thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu có chất lượng, phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, quy mô trồng rừng sản xuất ở tỉnh ta lại mang tính nhỏ lẻ, manh mún; phần lớn gỗ đường kính nhỏ, cây gỗ còn non, chất lượng không đồng đều; gỗ khai thác từ rừng trồng chủ yếu để sản xuất dăm gỗ nên có giá trị thấp… Đến nay, mới chỉ có 3 công ty lâm nghiệp: Quy Nhơn, Sông Kôn, Hà Thanh đã và đang thực hiện thí điểm việc chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích hơn 1.000 ha và tiến tới xây dựng rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn để trình UBND tỉnh phê duyệt, nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về đất đai, vốn, kỹ thuật trồng rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC…, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ truy xuất nguồn gốc hợp pháp, tăng giá trị gỗ xuất khẩu, góp phần phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững.
Có thêm nhiều diện tích rừng gỗ lớn, môi trường sinh thái sẽ tốt hơn, việc chống xói lở đất, bảo vệ độ màu mỡ của đất đai đạt hiệu quả cao hơn, đó là những lợi ích chiến lược. Có lẽ Nhà nước nên mở ra những chương trình tín dụng riêng để khuyến khích người dân tích cực trồng rừng gỗ lớn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN