Triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão
Đến đầu giờ chiều ngày 9.11, vẫn còn 67 tàu/521 ngư dân nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Haiyan.
(BĐ) - Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết, hồi 7 giờ ngày 9.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 07 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, từ ngày 6 đến ngày 9, trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa lớn trên diện rộng. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 46 hồ chứa đã đầy nước và qua tràn. Về tàu thuyền ngư dân đang hành nghề, đến đầu giờ chiều ngày 9.11, vẫn còn 67 tàu/521 ngư dân nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Haiyan (Bắc vĩ tuyến 8 và Nam vĩ tuyến 16). Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 3 tàu/24 người di chuyển về phía Bắc vĩ tuyến 180N, gồm tàu BĐ 95010 TS của ông Đào Thanh Hải ở tọa độ 18028N, 114028E; Tàu BĐ 96289 TS của ông Huỳnh Văn Hoàng đang ở tọa độ 18057N, 114038; tàu BĐ 91525 TS của ông Nguyễn Muộn ở 18040N, 1140E.
Khu vực quần đảo Trường Sa có 64 tàu/407 người đã vào các đảo: Song Tử Tây 27 tàu/213 người; Trường Sa Đông 10 tàu/84 người; đảo An Bang 6 tàu/43 người, đảo Phan Vinh, Tóc Tan, Tiên Nữ 21 tàu/157 người đã neo đậu giằng buộc an toàn. Nhóm 273 tàu cá/3.897 người, đang ở vùng Malayxia tránh bão. Khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.986 tàu/14.376 người làm nghề câu mực, đã vào bờ neo đậu tránh trú an toàn. Khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 183 tàu/1.273 người. Các tàu này đang trên đường chạy vào bờ tránh bão.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện còn 4.843 ha lúa; 81 ha mặt nước nuôi tôm chưa thu hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 700 lồng nuôi cá biển; 701 lồng nuôi tôm hùm cần có biện pháp bảo vệ an toàn khi có bão; 83 hộ nuôi hải sản lồng bè ở Quy Nhơn và 34 hộ nuôi cá lồng nước ngọt ở Vĩnh Thạnh cần rời lồng bè khi bão đổ bộ để bảo đảm an toàn.
Sáng ngày 9.11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh đã phân công cán bộ xuống các địa phương, cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão, chuẩn bị sơ tán dân, giằng chống nhà cửa chống nhà cửa, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, thu hoạch lúa vụ mùa, bảo đảm an toàn hồ chứa. UBND các địa phương ven biển đã phối hợp với bộ đội Biên phòng xuống địa bàn tuyên truyền, vận động các chủ tàu, gia đình thuyền viên liên lạc và gọi tàu về bờ tránh bão. Bộ đội Biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Đài Duyên hải Quy Nhơn liên tục duy trì liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thông báo diễn biến của bão, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn neo đậu an toàn.
Tin, ảnh: T.SỸ