Khai thác tận diệt ở Biển Đông và tham vọng phi lý của Trung Quốc
Bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.
Bắt đầu từ những năm 2010, những ngư dân Trung Quốc khai thác ngao đã tỏa đi khắp Biển Đông trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhưng lại được sự hộ tống bởi những tàu cỡ lớn đóng vai trò là tàu mẹ. Họ đi xa hơn nhiều khỏi vùng biển của Trung Quốc, đến những nơi có tranh chấp ở Biển Đông hoặc thậm chí đến cả những vùng biển rõ ràng thuộc về các nước láng giềng.
Tàu Trung Quốc gần Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông
Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ và ngư dân Trung Quốc phải phá nát cả rạn san hô rộng lớn nhưng lợi nhuận mà công việc này mang lại khiến họ bất chấp tất cả. Những con ngao khổng lồ có thể có vỏ rộng đến 1,2m, cân nặng lên tới 180kg. Mỗi con ngao khổng lồ có giá lên đến hàng chục nghìn USD trên thị trường Hải Nam. Đặc biệt, những chiếc vỏ ngao khổng lồ sau khi được chế tác thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo còn có thể bán được 1 triệu USD.
Một tác phẩm điêu khắc từ vỏ ngao khổng lồ. Ảnh: Bloomberg.
Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, John McManus cho biết, có tới hơn 25.000 rạn san hô đã bị tàu thuyền Trung Quốc phá hủy theo cách này. Phát hiện của McManus là một trong những bằng chứng được tòa án quốc tế xem xét khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines hồi năm 2016.
Mặc dù phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế được cho là đòn giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh đã phớt lờ tất cả, tiếp tục cho các tàu cá xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng.
Đã có một “khoảng lặng” khi hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của Trung Quốc bị ngừng lại hoàn toàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu, đây chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời. Khi đó, có nhiều đồn đoán cho rằng liệu đây có phải tác động từ phán quyết của Tòa hay đơn giản vì nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng đắt đỏ này giảm sút?
Thật không may, cho dù lý do đó là gì thì các đội tàu khai thác tận diệt của Trung Quốc cũng đã quay trở lại vào cuối năm ngoái. Điều đáng lo ngại là những đội tàu này thậm chí còn được trang bị kỹ thuật khai thác mới gây ảnh hưởng tồi tệ hơn đối với hệ sinh thái khi hệ thống nén áp suất gây ra những “đám mây” trầm tích rộng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sản và sinh tồn của các loài cá.
Giáo sư John McManus.
Tham vọng phi lý...
Vậy việc khai thác tận diệt, phá hủy môi trường của Trung Quốc ở Biển Đông có liên quan thế nào đến xung đột tiềm tàng trong khu vực? Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc thường chỉ là mũi nhọn của ngọn giáo trong tham vọng mở rộng quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới. Các tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng được bảo vệ sát sao hơn bởi các tàu vũ trang của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, dân quân biển… hòng đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.
Động thái tiếp theo thường là để quân đội Trung Quốc tiến hành nạo vét các bãi cạn, rạn san hô và xây dựng các đảo nhân tạo, bố trí trên đó các thiết bị quân sự, thậm chí là cả đường băng cho máy bay. Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, việc thu hoạch ngao khổng lồ phục vụ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên vùng biển đó. Ông Poling lưu ý, bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.
Mặc dù các hòn đảo nhân tạo đã đủ để gây ra mối lo ngại nhưng chúng chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.
“Trung Quốc phải biết rằng, cái giá mà họ phải trả cho hành vi này vượt xa lợi ích mà họ đạt được”, ông Poling nói đồng thời kiến nghị các bên cần nêu vấn đề này ở các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Theo chuyên gia Poling, đúng là Trung Quốc có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào tại Hội đồng Bảo an nhưng nếu làm như vậy, uy tín của Trung Quốc ít nhiều sẽ bị tổn hại khi tạo ra hình ảnh một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo giới phân tích, các quốc gia ven Biển Đông cần cùng nhau góp tiếng nói để giải quyết xung đột cũng như bảo tồn môi trường ở Biển Đông. Câu chuyện ở đây không đơn thuần chỉ là bảo tồn loài ngao khổng lồ mà nó là việc cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông – nơi cung cấp khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu. Bên cạnh đó, nạn săn trộm luôn kéo theo một loạt các tội phạm khác như buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, bắt cóc con tin… Và trên tất cả, nếu đây vẫn tiếp tục là một phần trong chiến thuật của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông thì mục tiêu giữ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở càng đối mặt với nhiều thách thức hơn./.
Theo Hùng Cường (VOV.VN)