Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Một mô hình hay trong môi trường giáo dục
Dự án “Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục” được nhiều chuyên gia của ngành TN&MT và ngành GD&ÐT đánh giá là một mô hình hay trong môi trường giáo dục.
Trong bối cảnh tỉnh ta đang chú trọng phát triển du lịch biển, việc triển khai những giải pháp nâng cao nhận thức về việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt giảm thiểu tình trạng xả chất thải nhựa và túi ni lông tại các bãi tắm là hết sức cần thiết.
- Trong ảnh: Các đoàn viên, thanh niên dọn rác ở bãi biển.
Dự án do GS Hoàng Chung Thẩm (Trường ĐH Loyola, Mỹ) làm chủ nhiệm, được Hội Địa lý toàn cầu phối hợp với UBND tỉnh, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trường ĐH Loyola (Mỹ) tổ chức từ ngày 18.8 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Dự án được triển khai với sự tham gia của 20 trường THPT ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dự án gồm các hoạt động: hội thảo tập huấn nâng cao kiến thức và hiểu biết của cán bộ quản lý, giáo viên về ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng một số hội nghị chuyên đề (seminar) theo hình thức phim tài liệu chiếu cho học sinh và thầy cô giáo không tham dự Hội thảo tập huấn; cung cấp thùng đựng rác thải nhựa, khẩu hiệu giảm rác thải nhựa; khảo sát thăm dò khả năng hiểu biết của giáo viên, học sinh về ô nhiễm rác thải nhựa và tổ chức trao thưởng tuyên dương những trường làm tốt nhất.
Giải thích lý do vì sao chọn Bình Định, ông Hoàng Chung Thẩm cho biết, vì Bình Định là tỉnh ven biển, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra và cũng bởi tinh thần sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện của chính quyền tỉnh. Dự án khởi đầu bằng hội thảo tập huấn kéo dài trong ba ngày (18 - 20.8) tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) cho 100 cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy các bộ môn: Sinh, Địa, Hóa, Lịch sử và Giáo dục công dân. Có thể nói đây là một trong những hội thảo tập huấn khá hiếm hoi về chủ đề môi trường mà đến phút cuối, cả người hỏi và người trả lời vẫn còn có quá nhiều điều muốn chia sẻ, lắng nghe, giải đáp với nhau.
Nhiều giáo viên cho biết, trước khi đến với sự kiện này, dù đã tìm đọc nhiều tài liệu nhưng họ vẫn không thể hình dung đầy đủ những tác hại của chất thải nhựa và gần như chưa biết gì đến khái niệm vi nhựa (là những hạt nhựa nhân tạo có kích thước lớn nhất nhỏ hơn 1 mm, do chất thải nhựa phân hủy tạo thành), nhưng sau hội thảo mọi việc đã khác. “Những bài giảng của các giáo sư về khoa học môi trường đến từ Mỹ, với những số liệu, công trình nghiên cứu do chính họ thực hiện và kết quả được giới khoa học thế giới công nhận giúp chúng tôi hiểu sâu sắc, tường tận hơn, nhất là những tác hại quá sức tưởng tượng của rác thải nhựa”, cô Nguyễn Thị Vĩnh Giang, giáo viên Trường THPT Trưng Vương, TP Quy Nhơn chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Cơ, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), kết quả hai cuộc khảo sát do Ban Tổ chức thực hiện trước và sau Hội thảo cho thấy, cả kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là nhận thức về tác hại ô nhiễm môi trường nói chung và tác hại của rác thải nhựa nói riêng của cán bộ, giáo viên đều đã tăng lên rõ rệt. Ở góc độ của ngành TN&MT, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), đánh giá cao Dự án này; theo ông Cường, hiện nay, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, trong bối cảnh chưa có các vật liệu thay thế thực sự phù hợp và thỏa đáng so với nhựa; trong khi tính tiện dụng và rẻ tiền của nhựa lại chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, thì truyền thông thay đổi hành vi, nhận thức là một trong những công cụ quan trọng nhất. Trong đó, truyền thông trong trường học là công cụ rất hữu hiệu. Ông Cường trao đổi: “Trước hết là vì đối tượng chúng ta có thể truyền tải được rất lớn - từ cán bộ lãnh đạo trường lan tỏa đến thầy cô rồi học sinh và cả phụ huynh. Đặc thù của đối tượng học sinh rất thích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học và cũng là người khi tiếp nhận được dễ tạo thành thói quen lâu dài. Học sinh cũng là một kênh phản hồi, thậm chí điều chỉnh luôn hành vi của phụ huynh. Thêm vào đó, Dự án còn có hoạt động kiểm tra việc chuyển biến nhận thức bằng phiếu câu hỏi khoa học, qua đó khẳng định tính hiệu quả của những việc làm. Ngành GD&ĐT và ngành TN&MT sẽ tiếp thu những kinh nghiệm tổ chức cũng như tài liệu về kỹ thuật, đặc biệt các bài giảng với lượng kiến thức thực tế, bổ ích, đầy tính thuyết phục để trong thời gian tới thực hiện tiếp một số chương trình khác tương tự trên địa bàn tỉnh”.
NGỌC TÚ