“Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách
Ra đời cách đây 5 năm, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ví như “kim chỉ nam” dẫn đường, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Các phiên giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH tại UBND cấp xã giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
- Trong ảnh: Phiên giao dịch lưu động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước tại UBND xã Phước Hòa.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40) giúp các địa phương nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội (CSXH), coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt hàng năm. Những năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tập trung các nguồn vốn CSXH có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng CSXH, ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng CSXH, đảm bảo tính ổn định, bền vững của hoạt động tín dụng CSXH. Mặt khác, tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện, an ninh, an toàn đối với các phiên giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH tại UBND cấp xã, tạo thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của người dân.
Nhằm đa dạng hóa nguồn lực tín dụng CSXH, trong 5 năm qua, ngoài nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn huy động tại chỗ từ dân cư, các cấp, ngành trong tỉnh đã huy động bổ sung 115,5 tỷ đồng để thực hiện tín dụng CSXH, nâng tổng nguồn vốn đến 30.6.2019 đạt 3.667 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành một số chương trình tín dụng chính sách và hỗ trợ theo cơ chế đặc thù bằng nguồn ngân sách tỉnh như: Hỗ trợ người lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020; hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan đã có nhiều hoạt động tích cực cho hoạt động tín dụng CSXH. Đến ngày 30.6, 4 tổ chức hội đoàn thể phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia quản lý hơn 3.650 tỷ đồng, tăng 61,2% so với cuối năm 2014 với 2.415 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các hội đoàn thể cũng đặc biệt quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, có 67,2% tổ được xếp loại tốt; 30,1% tổ xếp loại khá.
Tiền vay vốn được hộ bà Hồ Thị Thanh (huyện Tây Sơn) đầu tư trồng cây ăn quả.
Đi vào cuộc sống
Nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay CSXH, các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tăng cường kỹ năng, kiến thức cho người được vay vốn. Theo đó, trong 5 năm, có 581 lớp đào tạo nghề cho hơn 20.300 lao động nông thôn. Các hội đoàn thể tập huấn hơn 83.900 lượt hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Toàn tỉnh đang triển khai 19 chương trình tín dụng CSXH và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Đến ngày 30.6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng so với năm 2014; với trên 91.000 hộ nghèo, các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ 40 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2014.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến được 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, tập trung cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. 90% dư nợ được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục...
Vay 50 triệu đồng vào năm 2014, khi còn đang là hộ nghèo, bà Hồ Thị Thanh (51 tuổi, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) cùng chồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2017, hộ của bà đã trả hết nợ vay và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trồng cây ăn quả: cam, quýt, bưởi trên 1,5 ha. Sự chăm chỉ, cần mẫn, cùng với việc áp dụng các kiến thức khoa học đã giúp hai vợ chồng thu được số tiền 250 triệu đồng trong năm 2018. Trừ các chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 70 triệu đồng.
Bà Thanh cho biết: “Nhờ vốn vay mà gia đình thoát khỏi diện nghèo, cuộc sống, kinh tế gia đình bước sang trang mới. Vợ chồng tôi vẫn tiếp tục chăm chỉ lao động để tích lũy lo cho con cái, tham gia đóng góp với địa phương để xứng đáng với sự quan tâm của Nhà nước”.
NGUYỄN MUỘI