CÔNG TY THỦY ÐIỆN AN KHÊ - KA NAK:
Xả nước giúp dân chống hạn
Từ đầu năm đến nay, do tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, việc phát điện gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak (thuộc Tổng công ty Phát điện 2) vẫn nỗ lực xả nước về hạ du sông Ba (tỉnh Gia Lai) và sông Côn (tỉnh Bình Ðịnh) nhằm phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp cho bà con nhân dân vùng hạ du.
Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak kiểm tra tình hình xả nước chống hạn tại vùng hạ du sông Côn đoạn qua xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.
Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak hiện có 2 nhà máy thủy điện, gồm: Nhà máy thủy điện An Khê có 2 tổ máy phát điện với tổng công suất 160MW; nhà máy phát điện Ka Nak có 2 tổ máy tổng công suất 13MW. Thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, tỉnh Gia Lai, từ giữa mùa mưa năm 2018 đến nay, Công ty đã tạm ngưng phát điện để xả nước chống hạn cho vùng hạ du sông Ba và sông Côn.
Ông Đặng Văn Tuần, Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, cho biết: “Đến thời điểm này, đơn vị mới phát được 30 triệu KWh điện, chỉ đạt gần 6% kế hoạch cả năm 2019. Hiện mực nước ở các hồ thủy điện An Khê, Ka Nak đều ở gần mực nước chết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty, nhưng Công ty vẫn ưu tiên hàng đầu trong việc xả nước, đáp ứng phục vụ bà con nhân dân vùng hạ du. Do đó, Công ty đã thực hiện 6 đợt xả nước, mỗi đợt kéo dài 3 ngày liên tục, với lưu lượng xả bình quân khoảng 4 - 6 m3/giây đến vùng hạ du sông Côn đoạn qua xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) và xả liên tục xuống hạ du sông Ba đoạn qua huyện Kbang và TX An Khê (tỉnh Gia Lai) để đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và nước tưới cho cây trồng nông nghiệp, với hơn 580 ha lúa ở các vùng hạ du nêu trên”.
Vụ Thu năm nay, toàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) gieo sạ 190 ha lúa theo lịch thời vụ từ ngày 1.5.2019. Tuy nhiên, do hạn hán nên đã bị thiệt hại gần 7 ha lúa trong giai đoạn đẻ nhánh. Đến khi Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước, địa phương đã hướng dẫn nông dân sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên để cung cấp cho cây trồng. Ông Đặng Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho hay: “Nhờ có nguồn nước xả xuống từ các hồ thủy điện của Công ty, tại vùng hạ du sông Côn đoạn qua thôn Thượng Sơn, Trung Sơn của xã đã đảm bảo nước tưới cho 97,4 ha lúa vụ Thu”.
Mực nước tại hồ thủy điện Ka Nak, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang ở gần mực nước chết.
Bà Nguyễn Thị Hạn, ở thôn Thượng Sơn, phấn khởi nói: “Vụ Thu năm nay, bà con gieo sạ lại đúng lúc nắng hạn gay gắt, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn nhưng do thiếu nước tưới trầm trọng nên một số diện tích lúa bị hư. Đến giữa tháng 6.2019, nhờ nước từ thủy điện An Khê xả về hạ du nên bà con có đủ nước tưới sản xuất lúa, hoa màu”.
Tương tự, các hồ thủy lợi, sông, suối ở huyện KBang (tỉnh Gia Lai) cũng xuống gần mực nước chết do nắng hạn, làm thiệt hại hơn 600 ha lúa, hoa màu các loại ở địa phương này.
Ông Mã Văn Tình, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện KBang, cho hay: “Từ tháng 4 - 6 hàng năm ở đây đều có mưa giông, song năm nay thì nắng nóng gay gắt lại không có mưa đã gây hạn hán trên diện rộng. Huyện đã báo cáo UBND tỉnh để đề nghị Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước liên tục cấp cho vùng hạ du sông Ba. Nhờ đó, tại vùng hạ du sông Ba đoạn qua địa bàn huyện đã đảm bảo phục vụ nước tưới hơn 1.000 ha lúa nước, hoa màu của người dân trong huyện”.
Ông Đặng Văn Tuần cho biết thêm: Theo dự báo tình hình nắng hạn sẽ còn kéo dài đến tháng 11.2019, đơn vị sẽ nỗ lực điều tiết nước một cách hợp lý để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở vùng hạ du. Đồng thời, đề nghị ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con vùng hạ du sông Ba và sông Kôn có biện pháp tích trữ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước nhằm đảm bảo chống hạn, phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN