Công nhân tham gia đối thoại lao động: Sự thờ ơ đáng ngại
Không một công nhân nào chủ động đứng lên ý kiến, mặc cho Ban tổ chức nhiều lần kêu gọi, khuyến khích, gợi mở vấn đề. Có mặt ở diễn đàn dành cho mình, hầu hết công nhân “giết thời gian” bằng việc lướt điện thoại.
Buổi đối thoại với công nhân 7 DN ở Hoài Nhơn không có công nhân nào trực tiếp lên tiếng.
Những ghi nhận trên tại buổi đối thoại về thi hành pháp luật lao động trong DN (diễn ra tại Hoài Nhơn ngày 18.8) là hồi chuông báo động về thực trạng thụ động, thờ ơ của người lao động (NLĐ) trước những vấn đề thiết thân của mình; đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới, tăng hiệu quả cho công tác này.
Thờ ơ, im lặng
Nhiều mong mỏi, nhưng... ngại và sợ
“Giờ nghỉ trưa hiện tại quá ngắn, chỉ 45 phút (11h30 - 12h15) không đủ cho các việc tối thiểu: Ði vệ sinh (thường quá tải mỗi khi tan ca), ăn cơm; tranh thủ hết mức cũng chỉ có thể ngả lưng 5 - 10 phút là đã vào giờ làm việc buổi chiều. Mong sao có thêm 15 phút nghỉ ngơi nữa” - đây là một trong nhiều mong mỏi mà các nữ công nhân may ở Hoài Nhơn đã nói với người viết. Tuy nhiên họ cho biết không có ý định phát biểu, vì… ngại và sợ.
Buổi đối thoại do Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng 2 đơn vị ngoài tỉnh tổ chức, tại Công ty CP đầu tư An Phát (cụm công nghiệp Tam Quan, thị trấn Tam Quan) với sự tham gia của 210 công nhân ở 7 DN trên địa bàn huyện (gồm các công ty: CP đầu tư An Phát, CP may Tam Quan, TNHH may Vinatex Bồng Sơn, TNHH xuất nhập khẩu đầu tư may mặc thương mại Khánh Toàn, CP công nghệ WASHHNC, TNHH Sinh Phát Việt Nam và CP thủy sản Hoài Nhơn).
Trước khi đối thoại, Ban tổ chức phổ biến nhanh một số nội dung liên quan đến quyền của NLĐ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, những phát sinh thường gặp trong quan hệ lao động… như một cách gợi mở các vấn đề đối thoại, giúp công nhân liên hệ với thực tế bản thân hoặc tại DN mình.
Tuy vậy, gần 2 tiếng diễn ra, nếu trừ phát biểu của 1 đại diện LĐLĐ huyện, thì không có một công nhân hay cán bộ công đoàn cơ sở nào lên tiếng trực tiếp, công khai. Hình thức phát biểu qua giấy được gợi ý và trở thành cách đối thoại duy nhất cho đến hết buổi.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở buổi đối thoại gần nhất trước đó: Đối thoại về chính sách BHXH, BHYT cho DN, do Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và BHXH tỉnh phối hợp tổ chức ngày 26.6 tại TP Quy Nhơn. Tại buổi đối thoại chủ đề này, có đại diện của 90 DN tham gia song cũng chỉ có 4 người phát biểu với 7 lượt ý kiến.
Thay vì tập trung tham gia ý kiến hoặc nghe, đa số công nhân tìm vui với chiếc điện thoại.
Bên cạnh việc ít phát biểu, thụ động, chất lượng các ý kiến cũng rất thấp, nói cho có, làm cho hiệu quả tương tác, đối thoại lao động giảm ý nghĩa, không phản ánh được hết tình hình. Đa số ý kiến là hỏi về chế độ, chính sách; rất hiếm phát biểu nói lên tâm tư, nguyện vọng của NLĐ hay phản ánh những điều được và chưa được trong mối quan hệ lao động, trong thực tiễn lao động sản xuất tại DN; đề đạt quyền lợi chính đáng, thiết thân cho NLĐ.
Giải pháp nào?
Thừa nhận hiệu quả đối thoại với NLĐ còn nhiều hạn chế, một số cán bộ công đoàn cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cả 2 phía.
Với NLĐ, khả năng hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chỉ thấy những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của mình thì ý kiến chứ chưa nắm rõ quy định của pháp luật, của công ty về vấn đề đó. Một số người ít có khả năng diễn đạt trước đám đông, nên ngại nói. Nhiều vấn đề NLĐ đã ý kiến nhưng DN tránh né, không giải quyết hoặc giải quyết chưa tới nơi tới chốn, nên có tư tưởng mặc kệ, cam chịu. Trong khi đó, về phía DN, ý thức và sự chuẩn bị cho việc tham gia đối thoại chưa cao; chưa phân công người chịu trách nhiệm cụ thể…
Với gần 100 người tham dự đầu buổi, sau phần phổ biến kiến thức khá dài, đến phần đối thoại dành cho các DN Khu kinh tế tỉnh chỉ còn... lác đác mấy người.
Để cải thiện chất lượng đối thoại lao động, đòi hỏi sự thay đổi, nỗ lực của NLĐ, DN và tổ chức công đoàn. Về phía công đoàn, theo ông Nguyễn Hồng Ngân, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Nhơn, trước hết, cần lựa chọn các thành viên tham gia đối thoại đảm bảo yêu cầu: Nắm vững pháp luật lao động, được NLĐ tín nhiệm, khả năng thuyết trình, phản biện tốt... Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa LĐLĐ địa phương với chính quyền cơ sở, DN đóng trên địa bàn để hàng năm tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với NLĐ nhằm nắm bắt tình hình và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
“Để hỗ trợ NLĐ mạnh dạn lên tiếng, hình thức đối thoại phải linh hoạt, kết hợp nhiều kênh khác nhau, có thể là qua hòm thư góp ý, xây dựng bảng tin, mạng nội bộ, bảng biểu dán tại nơi nghỉ giải lao giữa ca, chấp nhận các hình thức qua tin nhắn điện thoại...”, ông Nguyễn Hồng Ngân đề xuất.
SAO LY