Nỗi lo của em Hạnh
Em Phan Tào Tuyết Hạnh (SN 2004) ở thôn Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn là 1 trong số 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi được nhận học bổng tại chương trình trao học bổng “Vòng tay yêu thương - Nâng bước đến trường” do Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày 6.8 tại Quy Nhơn.
Nhà chỉ còn 2 bà cháu nương tựa nhau, xong việc học, Hạnh chăm chỉ làm việc nhà, đỡ đần bà nội nay đã 86 tuổi.
Năm nay lên lớp 10, Hạnh trải qua tuổi thơ thiếu tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ. Mẹ mất khi Hạnh mới 15 tháng tuổi, sau đó thì ba phát bệnh tâm thần; hai cha con nương tựa bà nội. Đến năm em học lớp 7 thì ba đi lạc, mất tích đến nay. Hoàn cảnh khó khăn là vậy, song liên tục 9 năm học Hạnh đều duy trì thành tích học sinh giỏi. Hạnh tâm sự, tuy phía trước bấp bênh vì nội đã già (86 tuổi), song em chưa từng có ý nghĩ sẽ bỏ học giữa chừng. Vì Hạnh tin vào khả năng tự học, tự lập của mình, sự cưu mang của người thân, xóm làng, tin ở chính sách hỗ trợ, chăm lo trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Nhà nước cũng như sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng.
Tuy nhiên, em có một nỗi lo khác về tương lai, đến mức nghĩ tới là bất lực: Vì em chỉ cao 1,44 m, trong khi nghe nói yêu cầu tuyển dụng ở nữ chiều cao tối thiểu 1,55 m và càng có ngoại hình càng chiếm ưu thế. Em có thể vượt qua mọi thiếu thốn để theo đuổi việc học, nhưng liệu có cơ quan, công ty nào tuyển một nhân viên thiếu thước như em không? Một số người khuyên em là học cũng chỉ mất công, thấp bé vậy “cửa” đâu xin việc được.
“3 năm qua, em không cao thêm được một cm nào. Thấy em lo, nội cũng khóc, tự trách mình, bảo do nội không có điều kiện nuôi em đầy đủ dinh dưỡng, không được uống sữa, thuốc bổ để cao lớn như bạn bè trang lứa. Em thấy rất thương nội nhưng nỗi lo này vẫn luôn thường trực. Em cũng cố gắng tập thể dục, từ nhỏ đã vận động nhiều vì làm việc nhà, nhưng không hiểu sao từ lớp 6 đã không thể cao thêm tí nào…”. Em thổ lộ trong nỗi xúc động như giải tỏa sau bao kìm nén, lo âu.
Với cô bé học trò nghèo, mồ côi đầy nghị lực như Hạnh, con đường phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo và điều ấy không phải không có cơ sở. Chia sẻ câu chuyện của Hạnh với mọi người, người viết tin rằng, rồi nỗ lực của em sẽ được đền đáp và niềm tin vốn có ở em càng thêm vững chắc. Chắc chắn rằng, một xã hội tiến bộ, công bằng, nhân văn, vấn đề thể hình chỉ là một phần. Việc cần làm ở Hạnh bây giờ là tập trung cho việc học tập để có một kết quả tốt đẹp.
TƯỜNG MINH