Cảnh báo nguy cơ cháy chợ
Trong vòng 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có ít nhất 3 vụ cháy chợ, gây thiệt hại nặng nề về tài sản: chợ Cây Xăng (phường Quang Trung) ngày 16.8.2019, chợ Nhơn Lý, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) ngày 9.12.2018; chợ Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) ngày 25.11.2017… Thế nhưng, ý thức về PCCC của khách đến chợ mua sắm, của tiểu thương, thậm chí ban quản lý chợ còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Lo cháy ở các chợ cũ
Ghi nhận ở chợ Khu 6 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) vào ngày 20.8, PV thấy nhiều lỗi vi phạm về PCCC tại đây. Bên trong các ki ốt, sạp quần áo, vải may mặc không khó phát hiện các hành vi tự ý câu mắc điện tràn lan của tiểu thương. Một số lối thoát nạn trong chợ còn bị lấn chiếm để trưng dụng hàng hóa. Cá biệt, có tiểu thương còn sử dụng gas để nấu nước uống, thức ăn trong khu vực chợ. Các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Lai - dọc quanh chợ - cũng bị chiếm dụng để mua bán. Tình trạng này rất nguy hiểm khi chợ xảy ra cháy, vì xe chữa cháy khó tiếp cận để dập lửa. Trong khi đó, Ban quản lý chợ chưa đầu tư xây dựng hệ thống chống sét; bình chữa cháy tại chỗ, một số trang thiết bị về điện chưa được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn tới rỉ sét; hệ thống chữa cháy vách tường chưa được lắp đặt...
Tuyến đường quanh chợ Khu 6 bị chiếm dụng để buôn bán. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bà Phan Thị Đào, tiểu thương ở phường Ngô Mây đang buôn bán mặt hàng bánh tráng tại chợ Khu 6, lo lắng: “Cơ sở hạ tầng ở đây đã xuống cấp. Mua bán, kinh doanh trong điều kiện như thế này tôi rất âu lo. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, UBND TP Quy Nhơn quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, trang bị thêm thiết bị, phương tiện PCCC, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi mua bán và phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra”.
Tại chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), hệ thống điện cũng đã xuống cấp do chợ xây dựng đã lâu. Hàng hóa trong chợ nhiều làm hạn chế lối thoát nạn. Tình trạng che bạt, dựng ki ốt chiếm phần lớn lối đi… Việc trang bị phương tiện, hệ thống PCCC chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới phương tiện PCCC còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Ở đây vẫn còn tình trạng khách hàng, tiểu thương để xe máy trong khu vực chợ làm cản trở lối thoát nạn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy, di chuyển tài sản và thoát thân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra... Một số ít trường hợp có để bình CO2 nhưng chỉ trang bị cho có, thiết bị chữa cháy đã cũ kỹ, để ở nơi khó lấy, bị hàng hóa che lấp.
Tại Trung tâm thương mại Quy Nhơn hạ tầng khá hiện đại, trang thiết bị phục vụ PCCC đầy đủ, song ý thức mua bán, kinh doanh của tiểu thương vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khu vực bày bán vải, quần áo còn xảy ra hiện tượng câu móc điện tự phát, hàng hóa treo móc tràn lan…
Cần sớm khắc phục
Đại tá Võ Quang Cát, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CA tỉnh), cho biết thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp PCCC đối với chợ như: tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; mở rộng tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức đến tiểu thương, người dân… Đến nay, ý thức của tiểu thương, ban quản lý chợ, người dân có nâng lên. Tuy nhiên tại các chợ vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC.
Toàn tỉnh hiện có 179 chợ (44 chợ ở khu vực đô thị và 135 chợ nông thôn), trong đó, có 151 chợ bán lẻ hạng III và 28 chợ hạng I, II. Trong số này, có 26 chợ có ban quản lý, 55 chợ có tổ quản lý, 66 chợ giao khoán cho cá nhân quản lý; 2 chợ do DN khai thác, quản lý; 7 chợ do HTX quản lý và 23 chợ không có người quản lý. Từ năm 2018 đến nay, CA các địa phương và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành chính về điều kiện PCCC.
Theo đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc CA tỉnh, các chợ trên địa bàn tỉnh đa phần do chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra điều kiện PCCC ở các chợ chưa được quan tâm đúng mức. Để công tác PCCC tại các chợ đảm bảo theo quy định, Giám đốc CA tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm, nhất là tại các chợ đầu mối.
Trong đó, lực lượng chức năng sẽ cương quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thoát nạn như: tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất cao, sử dụng lửa trần trong chợ (đốt vàng mã, nhang đèn, hút thuốc), sắp xếp bố trí hàng hóa trên lối thoát hiểm. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục phối hợp với ban quản lý các chợ nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ (bảo vệ, tiểu thương, đội PCCC của chợ) thông qua tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ.
“Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất điều kiện, ý thức chấp hành về PCCC của tiểu thương, ban quản lý các chợ, nhất là vào ban đêm. Trường hợp phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định và sẽ tạm đình chỉ hoạt động nếu vi phạm tái diễn”, đại tá Trung cho hay.
TRỌNG LỢI