Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch: Xác định “nút thắt” để tháo gỡ
Khoảng 3 năm trở lại đây, ngành du lịch Bình Định tăng trưởng “nóng”, thể hiện ở việc số lượng khách tăng, doanh thu tăng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, du lịch Bình Định đón khoảng 2,6 triệu lượt khách, doanh thu thuần du lịch ước đạt 2.803 tỷ đồng, song đóng góp cho ngân sách từ ngành du lịch chỉ ở mức cực kỳ khiêm tốn - 36,5 tỷ đồng, trong đó phần của DN là hơn 23 tỷ đồng, số còn lại là của các hộ kinh doanh cá thể. Số thu ngân sách từ lĩnh vực này chỉ chiếm 2,7% lĩnh vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh.
Cục Thuế tỉnh tổ chức buổi làm việc tìm giải pháp quản lý, chống thất thu trong lĩnh vực du lịch.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch manh mún, tự phát, quy mô hộ gia đình, tình trạng “sáng khai trương, chiều đóng cửa” diễn ra liên tục... khiến cơ quan thuế rất khó theo dõi, quản lý. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn Trần Hữu Danh chia sẻ, nhìn bao quát thì thấy ngành du lịch đang phát triển “nóng” ở tỉnh ta, song nếu xét kỹ sẽ thấy các DN dịch vụ quy mô từ trên trung bình trở lên, năng lực phục vụ đa dạng chưa nhiều. Chẳng hạn, tại TP Quy Nhơn, dọc các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Lý Thái Tổ, Chương Dương, Xuân Diệu... có thể thấy hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống rất tấp nập. Nhưng tình trạng thay đổi, sang nhượng cơ sở kinh doanh, dịch vụ diễn ra liên tục, một số cửa hàng chỉ hoạt động vài ba tháng, đã treo biển đóng cửa; rồi cũng chính tại vị trí ấy, ít lâu sau lại có người thuê tiếp tục kinh doanh. Thời gian hoạt động quá ngắn, cơ quan thuế khó áp dụng các biện pháp quản lý, thu thuế với các cơ sở này.
Hay như trong lĩnh vực lưu trú, số cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1 - 5 sao đều được quản lý chặt chẽ, thực hiện kê khai đầy đủ. Tuy nhiên, với những hộ gia đình kinh doanh lưu trú theo hình thức nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) chỉ phát sinh doanh số vào mùa du lịch cao điểm, ngày thường vắng khách, doanh thu trung bình chưa tới 100 triệu đồng/năm, sẽ không phát sinh thuế.
Theo ông Bùi Viện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tây Sơn, Tây Sơn chỉ xếp sau Quy Nhơn về lượt khách du lịch đến tham quan. Cả huyện có 17 điểm du lịch, 3 DN kinh doanh lưu trú, 2 DN kinh doanh nhà hàng, khoảng 15 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở khu vực ven bờ kè phía Nam sông Côn. Lượng du khách đến Tây Sơn rất nhiều nhưng gần như không lưu trú, hoạt động phát sinh chi tiêu không có, doanh thu của du lịch rất ít; không phát sinh chi tiêu nghĩa là hoạt động dịch vụ đi kèm không có doanh thu, không phát sinh thuế, phí. Các địa phương khác như An Nhơn, Hoài Nhơn, việc quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cũng gặp nhiều khó khăn.
Kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng nở rộ, song với quy mô hộ gia đình gây khó cho công tác quản lý thuế.
Ngày 16.8 vừa qua, Cục Thuế tỉnh tổ chức buổi làm việc nội bộ ngành nhằm tìm giải pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch. Kết luận tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc nhấn mạnh, quản lý và thu thuế đúng và đủ là trách nhiệm của ngành Thuế. Đã tìm được “nút thắt”, thì việc sắp tới đó là bắt tay vào tháo gỡ để khơi thông “điểm nghẽn”. Giải pháp được ngành Thuế đưa ra là: Xây dựng số doanh thu tối thiểu với các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để có biện pháp thu thuế khoán phù hợp; tăng cường kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất với những đơn vị kinh doanh có dấu hiệu khai báo không trung thực; tuyên truyền vận động người nộp thuế tuân thủ theo quy định; tăng cường phối hợp liên ngành việc quản lý thuế trong lĩnh vực du lịch...
QUANG BẢO