Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp: Lộ diện nhiều tồn tại, hạn chế
Số hộ được hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình khí sinh học giảm mạnh, các thiết bị, máy móc được dự án hỗ trợ cũng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn đã làm giảm hiệu quả Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đang triển khai tại tỉnh ta.
Do chi phí tiền điện cao và phân bón hữu cơ không tiêu thụ được, nên nửa tháng chủ trang trại Thái Nguyên, ở xã Nhơn Tân, TX An Nhơn mới vận hành máy tách phân một lần.
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) do Sở NN&PTNT triển khai tại tỉnh ta với 2 hoạt động chính: Hỗ trợ kinh phí cho người dân xây dựng công trình khí sinh học (CTKSH); xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp thông qua các hoạt động hỗ trợ máy phát điện khí sinh học và tách phân xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Năm 2017 trở về trước, các hoạt động nói trên thực hiện khá tốt, được Ban quản lý Dự án LCASP Trung ương đánh giá cao, nhưng 2 năm trở lại đây số lượng CTKSH được xây dựng giảm mạnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, mới chỉ có 370 công trình được xây dựng, đạt 35% kế hoạch. Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Dự án diễn ra đầu tháng 8 vừa rồi cũng thiếu vắng hầu hết ngành chức năng của 11 huyện, thị xã, thành phố. Điều đó phần nào cho thấy, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến dự án này.
Năm 2018, được Dự án hỗ trợ máy tách phân làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại trị giá trên 800 triệu đồng, nhưng từ đó đến nay, chủ trang trại Thái Nguyên, ở xã Nhơn Tân, TX An Nhơn vẫn chưa biết làm như thế nào để phát huy hiệu quả máy tách phân. Ông Lê Thái Uyên, chủ trang trại Thái Nguyên chia sẻ: “Hàng ngày, chất thải từ 150 con heo nái và trên 1.000 con heo thịt là rất lớn. Theo quy trình, cứ 3 ngày phải vận hành máy để tách phân 1 lần, nhưng phân hữu cơ bán chẳng ai mua, thậm chí cho người dân ở địa phương cũng không lấy, trong khi đó, chi phí tiền điện để tách phân rất cao, nên khoảng nửa tháng tôi mới vận hành máy một lần”.
Tương tự, hệ thống máy tách phân di động để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô nhóm hộ (38 hộ) được thực hiện tại 3 xã: Ân Tường Đông, Ân Tường Tây và Ân Đức, huyện Hoài Ân cũng không đảm bảo mục đích yêu cầu của dự án. Ông Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại Hải Đảo ở xã Ân Tường Đông - chủ nhóm hộ thực hiện mô hình, cho hay: “Trong số 38 hộ tham gia mô hình, chỉ có 3 trang trại đảm bảo được nguồn điện và số lượng heo nuôi để sử dụng máy tách phân, các hộ còn lại sử dụng máy thu gom chất thải và tập trung về trang trại của tôi để xử lý. Tuy nhiên, do lo sợ lây nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm trong quá trình di chuyển máy tách phân, nên hiện chỉ có mình tôi sử dụng máy”.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Năm 2019, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các hoạt động của Dự án LCASP bởi các loại dịch bệnh trên đàn heo diễn biến phức tạp, nên người chăn nuôi đang lo phòng chống dịch bệnh, chưa đầu tư xây dựng CTKSH, dẫn đến số lượng CTKSH được xây dựng đạt thấp, dự kiến đến cuối năm 2019 toàn tỉnh cũng chỉ thực hiện được 700 công trình, đạt 66% kế hoạch. Việc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp chưa thực hiện được bởi giá thành thiết bị máy tách phân cao. Hơn nữa, chất thải của gia súc sau khi được xử lý thành phân hữu cơ rất khó bán, nên các DN, chủ trang trại không đầu tư mua máy móc. Vì thế, tiến độ giải ngân của dự án cũng mới chỉ đạt 27% kế hoạch. Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, và bàn bạc tìm ra các giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của dự án”.
PHẠM TIẾN SỸ