Bé gái 4,4 kg tử vong do... sặc sữa?
Một bé gái nặng 4,4 kg, sau sinh đã tử vong với kết luận của bệnh viện là tắc nghẽn đường hô hấp cấp do sặc sữa biến chứng ngừng tim, ngừng thở. Sự việc xảy ra tại TTYT TP Quy Nhơn ngày 20.8. Đó là trường hợp con đầu lòng của sản phụ N.T.T.H. (24 tuổi, TP Quy Nhơn). Gia đình chị H. đã có kiến nghị yêu cầu TTYT TP Quy Nhơn rà soát, trả lời về nguyên nhân tử vong của bé và trách nhiệm của kíp trực ngày 20.8.
Chị H. sinh bé gái đầu lòng tại TTYT TP Quy Nhơn lúc 9 giờ 50 phút ngày 20.8. Bé nặng 4,4 kg, da hồng hào, khóc to, nhưng đến 20 giờ 15 phút cùng ngày thì người nhà bế bé lên nhân viên y tế trong tình trạng môi tím đen, toàn thân tím tái, không có phản xạ, không thở. Sau 45 phút hồi sức tích cực, đến 21 giờ 5 phút bé vẫn tím tái toàn thân, mạch quay và mạch bẹn không bắt được, ngừng tim, ngừng thở.
Ngày 23.8, trao đổi trực tiếp cùng PV báo Bình Định, bác sĩ Bành Quang Khải - Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn cho hay, sản phụ nhập viện lúc 8 giờ 15 phút ngày 20.8 trong tình trạng thai 36,5 tuần. Sau khi khám nhiều lần và được hội chẩn thống nhất chuyển sản phụ sang mổ lấy thai lúc 9 giờ 30 phút. 20 phút sau thì bé gái được đón ra, cân nặng 4,4 kg, lau khô, làm rốn, tiến hành cho bé kề da với mẹ trong khoảng 20 phút. Đến 10 giờ 15 phút thì bé được đưa về khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, chiếu đèn sưởi ấm tại phòng sinh. Đồng thời, nhân viên y tế tư vấn cho người nhà là bé non tháng, cần ôm bé vào lòng để khỏi hạ thân nhiệt, mỗi lần cho bé uống khoảng 7-10ml nước sữa, cách 2 giờ. Khi mẹ về thì cho bé bú mẹ, cho bú xong thì phải bế bé đầu cao để không bị nôn trớ sữa.
Lúc 15 giờ, mẹ và bé về phòng được hộ sinh phụ trách phòng tiếp nhận, thực hiện y lệnh thuốc, tiếp tục theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc mẹ và bé, tư vấn cho bé bú mẹ. Đến tối thì xảy ra chuyện.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức bé, đồng thời báo bác sĩ trực, mời bác sĩ khoa Nhi và Gây mê hồi sức hỗ trợ. Bác sĩ Khải cho biết, tình trạng tử vong của bé là do tắc nghẽn đường hô hấp cấp do sặc sữa biến chứng ngừng tim ngừng thở. Tắc nghẽn đường hô hấp do dị vật (chất lỏng, chất rắn) diễn ra rất nhanh có thể chỉ trước đó 30 phút, 10 phút hoặc 5 phút. Khi tắc nghẽn, dị vật trong trường hợp này khả năng là chất lỏng, khi vào đường thở của bé thì làm co thắt đường thở, khiến không thể hô hấp được. Khi đường thở hoàn toàn đóng kín như vậy chỉ cần 5 phút bé đã tím tái.
“Sự tắc nghẽn đường thở, dịch vào không cần nhiều chỉ một liều ít nhưng khi vào làm cho nhịp thở có chất lạ vào sẽ gây co thắt phản ứng đường thở sau đó dẫn đến ngừng tim”, bác sĩ Khải giải thích.
HOÀNG ANH