“Căng mình” chống dịch sốt xuất huyết
Phức tạp ngay từ đầu năm, dịch sốt xuất huyết Dengue dự báo sẽ tiếp tục lập “đỉnh” mới khi bước vào mùa mưa - mùa cao điểm. Song song với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, công tác điều trị cũng phải đặc biệt chú trọng để hạn chế tử vong.
Kiểm tra và diệt ổ lăng quăng tại hộ dân ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến tháng 8.2019 đã ghi nhận hơn 4.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 217 ổ dịch, tùy quy mô, diễn biến để tổ chức xử lý phù hợp ở quy mô thôn xóm (200 điểm) và quy mô xã (17 điểm).
Phải triệt để với ổ lăng quăng
Trong khi 10/11 huyện, thị xã, thành phố đều giảm thì SXH ở Hoài Nhơn vẫn chưa hết căng thẳng. 17/17 xã, thị trấn của huyện đều có ca bệnh với 811 trường hợp, 47 ổ dịch, tăng gấp 5 lần ca bệnh và gấp 4 lần ổ dịch so với cùng kỳ năm trước. Kỹ sư Nguyễn Tự Trọng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật TTYT huyện Hoài Nhơn chỉ rõ: “Cái khó nằm ở chỗ chưa xử lý triệt để những ổ lăng quăng, điểm phát sinh muỗi truyền bệnh SXH trong từng gia đình. Thậm chí, địa phương phải lập biên bản xử lý hành chính, sau đó các hộ mới chịu khắc phục, tự giác loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà”.
Ngay tại xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) - điểm nóng SXH toàn tỉnh đến thời điểm này, y sĩ Lưu Thị Bích Trâm, Trưởng trạm Y tế xã chia sẻ, đã lập biên bản, nhắc nhở 48 hộ chưa xóa bỏ triệt để các ổ lăng quăng. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn khi trên thực tế nhiều khu vực của xã bị thiếu nước sinh hoạt. “Thiếu nước sinh hoạt nên người dân trữ nước sinh hoạt, song lại không chú trọng xử lý ngăn ngừa phát sinh lăng quăng. Huyện đã có chỉ đạo sẽ hỗ trợ 50% chi phí đầu tư dụng cụ chứa nước có nắp đậy cho một số hộ gia đình khó khăn. Tuy vậy, vấn đề then chốt khi xóa triệt để ổ lăng quăng là ý thức và sự tự giác của mỗi người dân”, y sĩ Trâm cho hay.
Diệt ổ lăng quăng cũng là vấn đề quan trọng được đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế về tình hình dịch SXH chỉ ra đối với Bình Định chiều 22.8. Thực tế kiểm tra tại 20 hộ dân của xã trọng điểm SXH Tam Quan Bắc, chỉ số mật độ muỗi và lăng quăng không quá cao nhưng lại ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch khi bước vào mùa mưa là rất cao. “Chỉ có xử lý triệt để ổ chứa nước đọng thì mới xóa được ổ lăng quăng và chặn đứng nguy cơ bùng phát dịch. Cùng với các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, Bình Định cần xử lý vi phạm hành chính với những hộ dân cố tình vi phạm như cách làm của xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn”, Th.S - bác sĩ Lê Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát Bộ Y tế nhấn mạnh.
Nhân viên y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa muỗi đốt gây bệnh SXH.
Giám sát chặt, chú trọng khâu điều trị
Nhận diện những khó khăn tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng vào các tháng cuối năm, Th.S Bùi Ngọc Lân - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để chủ động khống chế, tiến tới dập tắt dịch bệnh SXH, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch xử lý dịch bệnh tập trung vào các biện pháp như tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng cùng tham gia bằng những việc làm cụ thể. Các địa phương phải triển khai quyết liệt các chiến dịch diệt lăng quăng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng cần đặc biệt lưu ý ở thời điểm này là khâu điều trị bệnh phải được tăng cường, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong do SXH. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, từ đầu năm đến nay, riêng cơ sở này đã tiếp nhận điều trị hơn 2.500 trường hợp mắc SXH. Trong số này, có gần 700 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, 26 trường hợp sốc SXH nặng và 91 trường hợp SXH có sốc. “So với cùng kỳ, lượng bệnh nhân nhập viện điều trị do SXH tăng cao ở mức 777% số khám và 340% số điều trị. Bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng và có sốc”, bác sĩ Minh nhận định.
Đây cũng là vấn đề được Đoàn kiểm tra, giám sát SXH của Bộ Y tế đặc biệt lưu ý Bình Định trong khâu điều trị bệnh SXH. Bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, các bệnh viện phải đảm bảo điều kiện máy móc, thiết bị cấp cứu và nhân lực điều trị bệnh SXH. SXH có 3 phân cấp điều trị: SXH Dengue thông thường, SXH có dấu hiệu cảnh báo và SXH nặng. Đáng nói, SXH nặng chỉ chiếm 10%, còn lại là SXH ở mức độ cảnh báo, nếu các bệnh viện cơ sở đẩy hết lên tuyến trên dễ dẫn đến quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
MAI HOÀNG