Ðóa hoa cúc trắng
Ðứng giữa biến cố lớn của gia đình, cô gái 11 tuổi chọn ở bên cạnh người cha bệnh tật. 5 năm qua, em vừa tự chăm lo cho chính mình, quán xuyến việc nhà, chăm sóc cho cha. Tôi gọi em là “đóa hoa cúc trắng” bởi tựa như cô gái nhỏ trong sự tích cùng tên, lòng hiếu thảo, sự kiên định của em đã biến những ngày tháng tưởng chừng bế tắc của cha mình trở nên ấm áp, đáng sống hơn.
“Đóa hoa cúc trắng” tên là Bùi Kim Phương (16 tuổi, ở thôn Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh). Phương từng có một gia đình tròn trịa với cha mẹ và em trai. Nhưng, 5 năm trước, tai nạn lao động của cha khi đi làm thuê đã làm mọi thứ đảo lộn. Cha em, anh Bùi Văn Hoa (45 tuổi) từ một người khỏe mạnh, lao động chính trong nhà, vì cú té ngã, chấn thương cột sống, hoàn toàn nằm một chỗ. Sau những chạy chữa, điều trị, kinh tế gia đình kiệt quệ, vợ anh đã quyết định dắt hai con rời đi.
Dù cuộc sống nhiều khó khăn, Phương vẫn nỗ lực hết sức trong học tập.
Thời điểm đó, cô bé Phương vừa tròn 11 tuổi. Thay vì đi theo mẹ để bớt vất vả, Phương chọn ở lại cùng cha. Trả lời cho thắc mắc của tôi về sự lựa chọn này, Phương thành thật nói: “Đi như vậy là bất hiếu đó cô. Cha mình đẻ mình ra, khổ cực nuôi mình lớn tới chừng này, mình sao có thể bỏ cha để đi tới chỗ sướng hơn được”.
Trong khi bạn bè cùng lứa đang tuổi hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, cô bé nhỏ đã phải gánh vác trên vai mình nhiều trách nhiệm. Trong gian phòng nhỏ 15 m2 đã xuống cấp, nóng bức vào mùa nắng, ẩm ướt vào mùa mưa, Phương vừa tự học hành, thu xếp nhà cửa, vừa chăm cha. Em như cô y tá nhỏ của cha. Những vụng về của ngày đầu trong rửa, chăm sóc vết thương, hỗ trợ cha ngồi dậy đã dần được cải thiện, ngày một giỏi giang, tháo vát hơn.
“Cô học trò này có hoàn cảnh rất đặc biệt. Vừa học vừa nuôi cha, nhưng em rất ham học, không nản lòng. Nhà trường, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trường luôn động viên em, ưu tiên các hỗ trợ phù hợp cho em”, anh Nguyễn Tuấn An, Bí thư Ðoàn trường THPT Vĩnh Thạnh cho biết.
Sự đảm đang của Phương được nhiều người biết đến. Cách đây hai năm, một sự kiện diễn ra làm không ít người trầm trồ trước sự gan dạ của cô gái nhỏ. Lúc đó, Phương sốt siêu vi. Em nằm viện 10 ngày. Được bác sĩ cho phép xuất viện, Phương chạy ào về nhà. “Cha nằm đó với các vết lở loét. Vết thương của cha có rất nhiều dòi. Một số cô chú, hàng xóm bịt khẩu trang đứng ngoài cửa nhìn vào. Em không dám bịt khẩu trang vì sợ cha tủi thân. Em nghĩ chỉ có cách bắt dòi thì cha mới đỡ đau, mới khỏe lại. Và em dùng tay để bắt từng con bỏ vào bì ny lông”, Phương hồi tưởng.
Khoảnh khắc ấy, lòng anh Hoa quặn thắt. Anh kể: “Tôi đã yếu lắm rồi. Tôi nghĩ mình sắp chết tới nơi. Nhiều người cũng nói chắc tôi không qua nổi. Vậy mà, con gái tôi không bỏ cuộc. Ai chỉ gì, con tôi làm nấy. Bé nghiền long não rồi rưới lên vết loét. Dòi chui ra rồi, bé lại tự tay rửa, vệ sinh vết thương. Hôm ấy là 30 Tết. Mừng sao, tôi vẫn còn được đón thêm nhiều cái Tết nữa với con gái”.
Tình thương cha làm Phương trở nên dũng cảm, kiên trì hơn. Ngoài nguồn hỗ trợ hàng tháng từ Nhà nước cho người khuyết tật và người chăm sóc khoảng 800 nghìn đồng/tháng, Phương còn chăm chỉ đi làm thêm mỗi hè. Mùa hè năm lên lớp 10, cô gái nhỏ tích lũy được 2 triệu đồng từ đi làm thêm để trang trải các khoản chi cần thiết, chăm sóc cha. Hai cha con còn được sự giúp đỡ từ cộng đồng, Hội CTĐ huyện, Đoàn thanh niên, nhà trường.
Cuộc sống vẫn đầy rẫy khó khăn khi Phương đang học lớp 11. Cha Phương đã tới hạn thay khớp nhân tạo với số tiền lên đến trăm triệu đồng. Cả anh Hoa và Phương đều tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Anh Hoa đã đăng ký hiến xác, hiến mô, tạng. Anh bảo: “Tôi chẳng có gì để đền đáp lòng tốt của mọi người ngoài cơ thể của mình. Tôi tin khi tôi làm được việc tốt, con gái tôi cũng nhận được những sự giúp đỡ, để tương lai của cháu tươi sáng hơn”.
NGUYỄN MUỘI