Để mãi khắc sâu và tự hào
Gộp đá An Quang; địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V; nơi đặt Ðài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp; vụ thảm sát Ðá Bàn- là những chứng tích cách mạng trên địa bàn huyện An Lão vừa được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử được công nhận sẽ tạo điều kiện để giữ gìn, phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Những chứng tích hào hùng
Nằm cách chợ Xuân Phong (xã An Hòa) khoảng 3km, nơi Đài tiếng nói Nam Bộ - đài phát thanh ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp - từng hoạt động nằm trong vườn nhà ông Lê Ngọc Quảng (thôn Thuận Hòa). Ngược dòng lịch sử, Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, để tuyên truyền đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập đài phát thanh quốc gia (Đài tiếng nói Việt Nam ra đời ngày 7.9.1945 tại Hà Nội). Ở miền Nam, Đài tiếng nói Nam Bộ được thành lập vào ngày 1.6.1946 tại đình Thọ Lộc, nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình hoạt động, để đảm bảo bí mật, Đài tiếng nói Nam Bộ đã nhiều lần chuyển địa điểm ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Từ năm 1948-1953, Đài chuyển về Bình Định, đặt trụ sở tại thôn Thuận Hòa, xã An Hòa (huyện An Lão).
65 năm trước, Đài tiếng nói Nam Bộ đã đóng chân hoạt động trong khu vườn nhà ông xã Cảm (ông nội ông Lê Ngọc Quảng) - một địa chủ có tinh thần yêu nước, sẵn sàng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Các cán bộ của Ban Tây Sơn, cơ quan 20 (mật danh của Đài) ở ngay trong nhà của ông xã Cảm và đi lại hoạt động trong thôn như dân địa phương. An Lão, tuy không phải nơi ra đời nhưng đã nuôi dưỡng, che chở cho Đài hoạt động suốt một thời gian dài.
Trong tâm khảm đồng bào xã vùng cao An Quang, gộp Đá Lớn trên ngọn núi Đá Môn (núi Trầm) thuộc thôn 2 thật sự là “thánh địa”. Gộp Đá Lớn là một hang đá rộng, sâu và tối, có hai lối vào. Trong thời kỳ chiến tranh cục bộ của Mỹ, hang đá là nơi trú ẩn của nhân dân ở các bản làng xung quanh, cũng là địa điểm Huyện ủy An Lão tổ chức các cuộc họp, mở các cuộc học tập chính trị cho cán bộ địa phương. Trong đợt càn quét thực hiện chính sách “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”, Mỹ phát hiện ra hang đá này, cho máy bay ném bom liên tục nhiều đêm liền. Và cũng chính tại đây, tháng 7.1967, lực lượng du kích xã chỉ với 3 đồng chí với vũ khí thô sơ đã gan dạ, kiên cường chiến đấu, đẩy lùi cuộc càn quét của một tiểu đoàn lính Mỹ, bảo vệ an toàn cho 72 đồng bào. Trong trận chiến ấy, tiểu đội phó Đinh Ruối, người con dũng cảm của đồng bào H’re đã anh dũng hy sinh.
Để mãi khắc sâu niềm tự hào
Ông Đinh Dua (ở thôn 2) - một trong ba du kích gan dạ năm nào, bà Đinh Thị Nhíu (ở thôn 3), một trong 73 đồng bào chạy càn, đều có chung nỗi bồi hồi xúc động khi nhắc lại trận chống càn ác liệt tại gộp Đá Lớn.
Bà Nhíu kể: “Ngoài tôi, còn có mẹ Đinh Thị K’Ria và chị gái Đinh Thị Nhu cùng dân làng trú trong gộp suốt từ mờ sáng đến sẩm tối cho đến khi địch rút quân. Trẻ con vừa đói lả vừa bị sặc, ngộp lựu đạn cay, hỏa mù, con gái hai tháng tuổi của vợ chồng Đinh Văn Ruôi - Đinh Thị Chiết chết vì không chịu nổi hơi cay”. Ông Dua tiếp lời: “Bên ngoài cửa hang, 3 chúng tôi chia nhau gác, có ít đạn, mỗi du kích phải canh cho địch đến gần mới nổ súng. Sẩm tối, sau tiếng nổ lớn, tôi nghe tiếng anh Đinh Mân thét lên: “Chết Ruối rồi!”. Trong đoàn người chạy càn năm ấy, nay chỉ còn lại vài người, họ vẫn thường kể cho con cháu nghe về sự chở che của gộp Đá Lớn và lòng gan dạ của liệt sĩ Đinh Ruối”.
Theo ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão, trong đợt công nhận vào tháng 9.2013, ngoài hai di tích nơi đặt Đài tiếng nói Nam Bộ và gộp đá An Quang, địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V (thôn Long Hòa, xã An Hòa), vụ thảm sát Đá Bàn (làng Đá Bàn, xã An Hưng) cũng đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cả 4 di tích trên đều thuộc loại hình di tích lịch sử lưu niệm, ghi nhận sự kiện. Trước đó, công tác thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ về các di tích này khá khó khăn, vì đa số nhân chứng lịch sử đều đã mất, dấu tích bị chiến tranh xóa mờ.
“Với mỗi di tích, tỉnh đã có kế hoạch phát huy giá trị, trong đó việc trước mắt là tiến hành đặt bia tại từng địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử. Riêng di tích nơi đặt Đài tiếng nói Nam Bộ, để tăng hiệu quả và thuận lợi cho người dân tham quan, tìm hiểu, địa điểm đặt bia được lựa chọn là tại khu vực trung tâm thuộc thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa. Đối với loại hình di tích gắn với sự kiện lịch sử có sức lay động như vụ thảm sát Đá Bàn, cuộc chiến đấu bảo vệ dân tại gộp đá An Quang, huyện có kế hoạch tổ chức những chuyến về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống và lòng yêu nước trong nhân dân”, ông Hoàng Ngọc Thành cho biết.
Cháu nội ông Đinh Dua, em Đinh Văn Thinh kể chuyện, mấy năm trước khi ông nội em còn khỏe, mùa nắng ráo ông vẫn thường dẫn em lên núi Tràm, hai ông cháu đến ngồi hàng giờ tại gộp Đá Lớn. “Đặt chân lên hang đá từng là mái nhà, căn hầm chở che đồng bào mình và qua những câu chuyện kể về chiến tranh chống Mỹ của ông, em thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn”, Thinh nói.
SAO LY