Về nơi đại ngàn An Lão
An Lão có sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ để tôi năm lần, bảy lượt tìm cớ về thăm đại ngàn vào mùa lúa chín lúc Hè muộn chớm Thu...
Đường về An Lão
Từ Quy Nhơn đi An Lão chỉ có hai cách di chuyển là xe khách tuyến Quy Nhơn - An Lão trong ngày, hoặc là “phượt” trên chiếc xe gắn máy đủ mạnh, đủ lì để băng rừng, băng suối.
Toàn cảnh thị trấn An Lão - trung tâm của huyện An Lão. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Non cao An Lão mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, đặc biệt là cung đường lên cổng trời An Toàn, trước vẻ đẹp tự nhiên bên này rừng xanh, bên kia sườn đồi nhấp nhô những mái nhà.
Một góc thị trấn An Lão. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Nếu có dịp đến cổng trời An Toàn những ngày đầu mùa nắng, bạn sẽ thấy rừng cây lá đỏ bung nở ở An Toàn tạo nên một bản phối màu cực kỳ ấn tượng. Nếu lên An Toàn thỏa sức khám phá điều đặc biệt của thiên nhiên trong Khu bảo tồn, thì những ngày tháng 8 này, cung đường từ thị trấn An Lão đi các xã An Vinh, An Dũng sẽ cho bạn một cung bậc cảm xúc khác về An Lão - sóng lúa bậc thang trải dài trên những sườn đồi. Không phải đi đâu xa, về ngay với An Lão để ngắm nhìn những ruộng lúa bậc thang mùa lúa chín đẹp không kém những ruộng bậc thang Tây Bắc. Tầm này vụ Hè Thu vẫn chưa thu hoạch hết, ruổi rong trên những cung đường ở An Lão, len lỏi qua cánh đồng, chỉ riêng việc ngắm và ghi hình những nụ cười của đồng bào cũng đã đủ “sở hụi” của bạn rồi.
Sóng lúa bậc thang ở An Vinh - An Lão Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Nghe đại ngàn kể chuyện
An Lão là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Bana, H’rê. Mỗi bản làng sẽ có một ngôi nhà rông - biểu tượng văn hóa tinh thần của cộng đồng, là nơi người dân cùng nhau tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể vào những dịp đặc biệt. Đi vào sâu trong làng, dừng chân dưới mái nhà sàn, chủ nhân của ngôi nhà mến khách mời bạn lên nhà trò chuyện. Người Bana hay người H’rê cũng vậy, ở làng nào cũng sẵn lòng kể cho bạn nghe câu chuyện về những ngôi nhà giữ lương thực tách biệt với bản làng kia.
Ngày hội văn hóa vùng cao ở An Lão. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Tôi từng thắc mắc rằng, sao phải bất tiện khi giữ lúa gạo một nơi xa thế. Rất nhiều mế Bana cười trìu mến và kể rằng, đó là cách người Bana giữ của cho con cháu họ. Ở trên non cao này, từ khi sinh ra, người Bana đã tập quen với khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên. Họ xây dựng những ngôi nhà nhỏ cất giữ lương thực, nằm xa với ngôi làng. Nhà đủ cao để tránh muông thú, đủ xa với nhà dân để phòng hỏa hoạn thiêu rụi, con cháu người Bana còn có cái ăn mà vực dậy, mà xây dựng lại cuộc sống. Bản năng sinh tồn giữa rừng sâu, núi thẳm đã dạy cho họ kỹ năng để sống, để làm quen và để hòa nhịp với rừng núi.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất của tỉnh Bình Ðịnh) tiếp giáp Khu bảo tồn Kon Cha Răng thuộc tỉnh Gia Lai và vùng rừng núi cao của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Khu bảo tồn nằm trong hai vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam là vùng sinh thái rừng mưa núi cao Nam Trường Sơn và vùng sinh thái rừng khô đất thấp Nam Việt Nam. Cả hai vùng sinh thái nói trên đều là những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới, đã được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá bởi tính đặc hữu và giá trị bảo tồn nhiều loài động thực vật quan trọng.
Câu chuyện tiếp tục bên ánh lửa bập bùng, đóm lửa tí tách là chuyện kể về những chàng trai, cô gái người Bana với cồng chiêng, rượu cần và những điều khác nữa. Trong tiết tấu của cồng chiêng, của ánh lửa đêm reo vui, chúng tôi có một trải nghiệm đặc biệt, hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng người Bana. Một đêm tuyệt vời để say men rượu cần, say cùng lòng người thân thiện, mến khách và nét đẹp văn hóa cội nguồn đang được thế hệ trẻ Bana tiếp nối và gìn giữ.
Như một câu dân ca Bana mà tôi từng được nghe bên bếp lửa trong một mái ấm: “Nếu thương nhau thì về An Lão. Cùng lên rừng và cùng nhau hái rau, xuống suối cùng bắt con cá. Nếu thương nhau thì về An Lão, rừng của ta mà đất cũng của ta, nếu thương nhau thì về đánh cho tiếng cồng chiêng vang động núi rừng, nối cho đất liền với trời”, vậy thì còn chờ gì mà không về An Lão khi mùa lúa vẫn còn vàng tươi.
THU DỊU