“Gầy” thương hiệu cho trái cây Bình Ðịnh
Có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loại cây ăn trái như bưởi, dưa hấu, dưa lê, dừa… Bình Định có lợi thế đặc biệt là thu hoạch trái mùa so với vùng chuyên canh trái cây ở miền Nam. Mấy năm gần đây, tỉnh ta triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, trái cây Bình Định được người tiêu dùng tín nhiệm, nhiều thương lái còn mua gom trái cây Bình Định đưa ngược vào miền Nam để bán.
Dưa lê vỏ vàng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTXNN II Nhơn Thọ.
HTXNN II Nhơn Thọ là đơn vị trồng dưa lưới, dưa lê vỏ vàng hợp chuẩn an toàn đầu tiên của tỉnh. Ông Phạm Duy Tân, Giám đốc HTX, cho biết: “Làm trái cây sạch khá vất vả nhưng nhờ sự hỗ trợ của UBND TX An Nhơn, Sở NN&PTNT, HTX đã mạnh dạn thực hiện và bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu với giá bán cao hơn 20 - 30% so với trước, không phải lo khâu tiêu thụ”. Từ ngày 14.8.2019, HTXNN II Nhơn Thọ là cơ sở đầu tiên ở tỉnh ta được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm dưa lê vỏ vàng và dưa lưới tròn. Trước đó, sản phẩm dưa hấu, dưa Kim cô nương và Kim hoàng hậu được chứng nhận VietGAP.
Chị Phùng Thị Thanh Miền, Giám đốc Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới, ở thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, cho biết: “Hiện nay, dưa Kim hoàng hậu của công ty được đơn vị ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá cao hơn so với các thương lái nông sản thu mua khoảng 20%. Công ty đang làm hồ sơ chứng nhận VietGAP cho các loại trái cây kể trên. Được chứng nhận hợp chuẩn Viet GAP giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn”.
Công nhân thu hoạch dưa lê vỏ vàng an toàn (dưa hoàng kim) tại vườn của Công ty TNHHH Gia vị nhiệt đới.
Theo chị Miền, dù là sản phẩm có chất lượng nhưng đến nay trái cây an toàn có xuất xứ Bình Định vẫn chưa được thị trường nhận diện và định giá xứng đáng do chưa được chứng nhận hợp chuẩn. Một hạn chế nữa là quy mô sản xuất nhỏ, mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán nhỏ lẻ. Chị Thanh Miền chia sẻ: “Chứng nhận GAP - VietGAP hoặc cao hơn là GlobalGAP hay hợp chuẩn hữu cơ (bionic) không chỉ là tấm giấy thông hành để sản phẩm vào được hệ thống siêu thị mà còn là một sự đảm bảo cho cam kết về chất lượng của nhà sản xuất với người tiêu dùng”.
Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh đang là những mảnh ghép riêng lẻ từ DN hay cá nhân. Để khẳng định thương hiệu cho trái cây Bình Định cần sự hỗ trợ lớn từ các cấp, ngành, địa phương cần định hướng, tính toán lại quy hoạch…
HẢI YẾN