Phòng tránh ung thư vú ở phụ nữ
Theo BS CKII Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh), trong những giai đoạn đầu, thường thì ung thư vú sẽ không biểu hiện triệu chứng gì, không có bất thường gì trên lâm sàng. Ở những giai đoạn tiến triển, có thể xuất hiện các triệu chứng sau: Khối u bất thường ở vú (người bệnh có thể tự sờ thấy một khối cứng chắc, không đau); bất thường vùng da vú (dấu hiệu sần sùi, đổi màu sắc hoặc tiết dịch bất thường ở vùng da hoặc quầng vú); núm vú tiết dịch bất thường (có thể là máu, mủ hoặc dịch bất thường); núm vú thụt vào trong, có thể kèm theo đau hoặc không đau; xuất hiện hạch cổ, hạch nách...
Khi có các dấu hiệu bất thường trên, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra sàng lọc bệnh ung thư vú. Hiện có 3 biện pháp kiểm tra có kết quả chính xác cao là siêu âm vú, chụp nhũ ảnh hay chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm gen. “Đối với phụ nữ, đặc biệt là sau tuổi dậy thì, nên tạo cho mình thói quen tự khám vú theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự thay đổi bất thường của hình dáng vú. Phụ nữ ở độ tuổi từ 20 - 30, ngoài tự khám vú, nên khám định kỳ 1 năm/lần. Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên dù không có bất kỳ triệu chứng gì cũng cần khám kiểm tra vú định kỳ, tốt nhất là 6 tháng/lần, nhất là những trường hợp có yếu tố nguy cơ ung thư vú cao cần siêu âm vú 3 - 6 tháng/lần. Siêu âm vú là phương pháp đơn giản và cần thiết nhất để giúp tầm soát ung thư vú và phát hiện một số bệnh về vú”, bác sĩ Nguyễn Minh Trí khuyên.
Bên cạnh đó, phụ nữ cần ăn nhiều rau xanh; tránh những chất tẩy, thuốc trừ sâu; giảm một số chất béo; ăn nhiều chất xơ; theo dõi cân nặng chống béo phì; lưu ý việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh; lưu ý khi dùng một số loại thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú...
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)