Tăng giá dịch vụ y tế: Chưa ảnh hưởng nhiều đến người bệnh có BHYT
Sau 5 ngày tăng giá dịch vụ y tế, theo nhận định của các bệnh viện, cơ quan quản lý và người bệnh, việc tăng giá ảnh hưởng không đáng kể với đối tượng khám, chữa bệnh BHYT.
Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 5.7.2019 bao gồm giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) có BHYT và ngoài phạm vi BHYT. Theo đó, từ ngày 20.8, giá KCB BHYT tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện.
Từ 20.8, người bệnh chi trả viện phí theo giá mới tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều cơ sở y tế đã niêm yết công khai mức tăng của dịch vụ kỹ thuật, tiền khám, tiền giường bệnh. Đi tái khám bệnh tiểu đường tại BVĐK tỉnh, bà Nguyễn Thị Hạnh (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) cho biết: “Lần khám này số tiền cùng chi trả tăng thêm 50.000 đồng so với tháng trước. Tôi cũng đã nghe thông tin mới tăng viện phí, nhưng có thẻ BHYT nên phần chi trả thêm ít”.
Bác sĩ Ngô Xuân Thế, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BVĐK tỉnh) cho hay, Bệnh viện đã áp dụng giá dịch vụ y tế điều chỉnh trong KCB, hiện chưa có vấn đề phát sinh hay thắc mắc từ người bệnh. Việc tăng giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế là theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhưng mức tăng không đáng kể.
Cụ thể, tiền khám bệnh, ngày giường bệnh tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Với giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, quy định mới là 38.700 đồng (trước đây 37.000 đồng), ở bệnh viện hạng 2 là 34.500 đồng (trước đây 33.000 đồng), bệnh viện hạng 3 là 30.500 đồng (trước đây 29.000 đồng), bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã là 27.500 đồng (trước đây 26.000 đồng). Giá dịch vụ ngày giường bệnh mức tối đa là 782 nghìn đồng đối với bệnh viện hạng đặc biệt, 705 nghìn đồng đối với bệnh viện hạng 1 và 602 nghìn đồng đối với bệnh viện hạng 2.
Quy định mới này cũng điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ y tế do BHYT chi trả ở các tuyến y tế. Ngoài ra, các dịch vụ ngoài phạm vi BHYT thanh toán cũng được điều chỉnh tăng, như: Khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là 450 nghìn đồng/người/lượt khám (trước đây 420 nghìn đồng); khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe cho người lao động, lái xe (chưa tính xét nghiệm, chụp X-quang) 160 nghìn đồng/người/lượt khám, tăng 15.000 đồng…
Theo cơ quan quản lý, điều chỉnh giá viện phí lần này là cần thiết theo điều chỉnh mức lương cơ sở mới 1,49 triệu đồng khi các cơ sở KCB phải tự chủ thu chi. Tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, người dân sinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng… bởi các đối tượng này được BHYT thanh toán 100%. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí cho biết, BHYT đã bao phủ khoảng 90% dân số toàn tỉnh. Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả viện phí là 5% nên tác động không đáng kể; người có thẻ BHYT đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT bị ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều.
Với danh mục dịch vụ tăng giá của bệnh viện hạng 3, TTYT TX An Nhơn đã điều chỉnh 1.862 dịch vụ, trong đó dịch vụ tăng nhiều nhất là 150 nghìn đồng. “Theo tính toán của chúng tôi thì mức độ ảnh hưởng từ việc tăng 5 - 10% trong giá dịch vụ là không đáng kể. Việc tăng giá dịch vụ cũng chỉ mới áp dụng cho bệnh nhân BHYT, hiện bệnh viện vẫn còn 2 bảng giá là giá mới điều chỉnh từ ngày 20.8 cho bệnh nhân BHYT và giá cũ cho người không có thẻ BHYT”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình chia sẻ.
Trong khi đó, thông tin từ Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế quy định tại Thông tư 14/2019/TT-BYT, HĐND tỉnh quyết định mức giá cụ thể và thời điểm thực hiện tại các cơ sở y tế của nhà nước thuộc địa phương quản lý. Hiện nay, đối với người bệnh chưa có thẻ BHYT, giá viện phí vẫn ở mức do UBND và HĐND tỉnh phê duyệt trước đây. “Cùng với tăng giá lần này, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”, ông Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG