Ðánh giá chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính: Hướng đến khách quan, trung thực
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là cơ sở để đánh giá khách quan kết quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, với sự tham gia giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội CCB Việt Nam và sự tham gia thực hiện điều tra xã hội học của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Thấy được hạn chế để điều chỉnh
Báo cáo SIPAS 2018 mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chỉ số SIPAS giúp các cơ quan hành chính nhà nước thấy được các hạn chế để có các điều chỉnh phù hợp.
- Trong ảnh: Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND huyện Phù Mỹ.
Theo đó, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,9%. Một nửa số tỉnh có chỉ số hài lòng nằm trong khoảng 81,9 - 97,8%; nửa còn lại nằm trong khoảng 69,9 - 81,9%, cho thấy cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu của cải cách hành chính (CCHC) là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
5 yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ SIPAS 2018, gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, đã nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 80,6%, 86,4%, 85,1%, 88,1%, 74%.
SIPAS 2018 của Bình Định rất thấp, chỉ đạt 71,8% (năm 2017 đạt 81,4%), xếp thứ 61/63 tỉnh, thành trong cả nước (chỉ trên Cao Bằng, Hà Giang). 5 điểm số thành phần của Bình Định lần lượt là 65,6%, 75,2%, 72,8%, 77,1%, 68,1%; đều thấp hơn mức bình quân của cả nước. Trong đó, đáng chú ý là tiêu chí trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức hiện đại (trong yếu tố thành phần “tiếp cận dịch vụ”) chỉ đạt 58,7%.
“Kết quả này đã ảnh hưởng khá lớn đến Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến mục tiêu CCHC của tỉnh đến năm 2020”, Quyền Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) ông Nguyễn Thanh Vũ, nhận định.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng, SIPAS 2018 là công cụ quan trọng để đánh giá khách quan kết quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, của CCHC nói riêng. Chỉ số này giúp các cơ quan hành chính nhà nước thấy được các hạn chế về chất lượng dịch vụ hành chính công, từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Không định hướng, can thiệp nhằm thay đổi kết quả khảo sát
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ngày 21.8, Sở Nội vụ đã có văn bản cụ thể về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần cung cấp toàn bộ danh sách các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thủ tục hành chính trong khoảng thời gian từ 1.1.2019 đến ngày 31.7.2019 làm cơ sở để thực hiện đo lường.
Ở cấp tỉnh, với Sở TN&MT là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục về lĩnh vực môi trường. Sở GTVT là thủ tục cấp giấy phép lái xe và thủ tục về lĩnh vực vận tải. Sở Xây dựng là thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thủ tục về lĩnh vực quy hoạch/xây dựng. Sở VH&TT là thủ tục cấp giấy phép văn hóa cơ sở và thủ tục về TDTT. Sở NN&PTNT là thủ tục về lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật và thủ tục về lĩnh vực chăn nuôi - thú y. Sở Tư pháp là thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và thủ tục về lĩnh vực trợ giúp pháp lý nhà nước.
Với UBND TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Lão, Vĩnh Thạnh, chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với bộ phận một cửa của UBND cấp huyện lập danh sách thống kê các tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao dịch và trả kết quả đối với thủ tục lĩnh vực đất đai và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh. Với UBND các xã, phường, thị trấn là thủ tục về lĩnh vực tư pháp và LĐ-TB&XH.
Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ đúng theo hướng dẫn, đảm bảo kết quả điều tra khách quan, trung thực. Không định hướng, can thiệp vào quá trình phát phiếu điều tra xã hội học tại địa phương nhằm mục đích thay đổi kết quả khảo sát. Đồng thời, thông tin để cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức ở địa phương có nhận thức đầy đủ, chính xác về mục đích, nội dung và yêu cầu của việc triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính, đặc biệt là để người dân, tổ chức tham gia trả lời phiếu điều tra đầy đủ, khách quan.
NGUYỄN VĂN TRANG