Chuyên gia Nga lạc quan về FTZ Việt Nam – Liên minh Hải quan
Mới đây, Liên minh Hải quan (CU) (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) bắt đầu đàm phán với Việt Nam về ký kết thỏa thuận thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTZ). Theo đó, giao dịch thương mại giữa các nước thuộc CU và Việt Nam có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2020.
Các chuyên gia Nga cho rằng, với việc thành lập một FTZ tại Việt Nam, lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thuộc CU có thể tăng gấp vài lần trong 5 năm. Trong khi đó, về phía Việt Nam, nước này sẽ có thể nhận được những hàng hóa cần thiết, như phân bón, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm công nghiệp nặng.
Ngoài ra, theo giám đốc trung tâm phát triển kinh tế các nước thuộc CIS Vladimir Savchenko, FTZ giữa CU và Việt Nam sẽ là những bước đi đầu tiên giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường của Nga, Belarus và Kazakhstan. Đổi lại, việc Việt Nam gia nhập FTZ sẽ tạo điều kiện cho 3 nước trên cung cấp máy giặt, TV, ô tô vào thị trường Việt Nam vốn có sức chứa lớn và rất hấp dẫn với các doanh nghiệp Nga.
Cũng theo ông Savchenko, các mẫu TV của Nga hiện đã có tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuộc công nghiệp chế tạo máy, đồ điện tử công nghệ cao, máy bay, xe vượt mọi địa hình (ATV) cũng nằm trong danh sách này.
Trong khi đó, giám đốc chương trình quốc tế thuộc Viện Chiến lược Quốc gia Nga Yuri Solozobov cho rằng, sự phát triển của tương tác Nga-Việt như một phần của FTZ cũng đem lại nhiều triển vọng hơn cho Nga.
“Thương mại Nga-Việt được phát triển thành công từ thời Xô-viết và nhiều liên doanh, trong đó có những liên doanh trong lĩnh vực dầu khí, đã được thành lập. Người ta có thể nói Việt Nam là công xưởng của thế giới, nơi mà các tập đoàn quốc tế sẵn sàng thành lập doanh nghiệp. Trong khi chi phí nhân công ở Trung Quốc quá đắt đỏ và giá hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc cao hơn hàng Việt Nam, thì Việt Nam lại là một nơi có thể sinh lời khi xây dựng các địa điểm công nghiệp tại đây, đặc biệt với các nước thuộc CU.
Lê Quảng (theo VoR)