Hưởng Bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động sẽ mất nhiều quyền lợi
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 7, đã có 468.055 người hưởng trợ cấp một lần. Những người lĩnh BHXH một lần thường là người lao động bị mất việc, hoặc phải nghỉ khu vực chính thức ở độ tuổi 35-40 tuổi, điều đó khiến họ mất đi cơ hội có lương hưu khi tới tuổi.
Cần cân nhắc kĩ
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, anh Phí Xuân Trường (Hà Nội) cho biết, sau hơn 10 năm đi làm công nhận tại một nhà máy, anh đã xin nghỉ việc tại công ty do không thể đáp ứng được nhu cầu của công việc và muốn tìm một công việc khác phù hợp với sức khỏe hơn. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc được 7 tháng, anh đã đến cơ quan BHXH đã làm thủ tục xin hưởng BHXH một lần.
Người lao động nhận BHXH một lần sẽ ngay lập tức mất trắng hàng loạt quyền lợi của mình nếu tiếp tục đóng BHXH cho đến khi về hưu (ảnh minh họa) Ảnh: Hương Dịu.
“Sau hơn 10 năm làm việc, số tiền BHXH một lần tôi được nhận là gần 50 triệu đồng. Số tiền này được tôi góp vốn làm ăn với bạn, tuy nhiên sau một thời gian tìm kiểu kĩ hơn về những lợi ích mà tôi nhận được khi tiếp tục duy trì đóng BHXH đến khi đủ thời gian đóng để nhận được lương hưu thì tôi thực sự hối hận vì đã nhận BHXH một lần”, anh Trường chia sẻ.
Theo Luật BHXH 2014, ngoài quy định về chế độ hưởng lương hưu, người lao động có thể được hưởng chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần hay hưởng lương hưu, người lao động sẽ bị thiệt thòi. Người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân. Chính vì vậy, khi còn trẻ, còn khả năng lao động để tạo thu nhập thì lại phải sử dụng đến “của để dành” để tránh khi về già không còn khả năng lao động tạo thu nhập, trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà còn cho cả xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước.
Kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giả cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Bên cạnh quyền lợi về lương hưu, người lao động khi đóng BHXH đủ thời gian, sau khi về hưu còn được cấp thẻ BHYT để nếu có ốm đau sẽ được thanh toán. Đến khi qua đời, người lo mai táng cũng được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết. Thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng; trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.
Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng - hưởng BHXH như hiện nay, một người lao động khi tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8 - 10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm thì rõ ràng quyền lợi mà người lao động đang được hưởng là rất lớn. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, nếu người lao động nhận BHXH một lần sẽ ngay lập tức mất trắng hàng loạt quyền lợi của mình nếu tiếp tục đóng BHXH cho đến khi về hưu.
Nâng cao nhận thức của người lao động
Trước thực trạng này, Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đưa ra biện pháp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, chưa nói đến việc hưởng một lần có lợi hay không nhưng chắc chắn, nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH lâu hơn, tham gia BHXH nhiều hơn, sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn. Mục tiêu của chính sách BHXH là BHXH toàn dân, quỹ BHXH được xây dựng từ sự đóng góp của người lao động cùng người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động. Vì vậy, người lao động cần cân nhắc kỹ quyền lợi của mình bởi khi ở lại hệ thống BHXH lâu hơn thì sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn. Từ góc độ cơ quan làm chính sách, chúng tôi mong muốn người lao động sẽ tham gia lâu dài để được hưởng quyền lợi hưu trí lâu dài, bảo đảm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, nhận BHXH một lần Nhà nước không thiệt mà người lao động thiệt. Việc bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia BHXH khi có điều kiện để được đảm bảo an sinh xã hội khi về già là tối ưu nhất. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người lao động để hiểu biết đúng về chế độ đóng hưởng của BHXH, nhằm giúp người lao động có quyết định sáng suốt, đúng đắn khi có ý định xin nhận trợ cấp BHXH một lần.
Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm người lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp
Theo Xuân Thảo (HQ Online)