Không để lọt người không đủ phẩm chất vào hàng ngũ của Đảng
Trong công tác cán bộ, hoạch định chiến lược, nhất thiết phải chọn, không để lọt những người không đủ phẩm chất vào trong hàng ngũ của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước vì dân. Từ thực tiễn hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phương pháp nêu gương hiệu quả nhất trước hết là nêu gương về đạo đức. Bởi theo Bác: “Người cách mạng nếu không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
PGS.TS Lý Việt Quang, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Bác Hồ luôn luôn xem trọng cả đạo đức và tài năng. Nhưng trong mối quan hệ đạo đức và tài năng, người xác định rằng: đạo đức là cái có trước, đạo đức là gốc.
Người có dùng từ "có đạo đức cách mạng thì có thể gánh được nặng và đi được xa". Không chỉ trong những lúc khó khăn mà cả trong những lúc thuận lợi thì đạo đức sẽ giúp người cán bộ, đảng viên không vì thắng lợi, không vì thành công mà mắc vào bệnh kiêu ngạo cộng sản.
Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến tự giác thực hiện của mỗi người là bồi đắp tính tiền phong của Đảng và phẩm chất cao quý của cán bộ, đảng viên, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mỗi người, từ chính công việc, cuộc sống nêu được gương tốt cũng là niềm tự hào của bản thân, để không ngừng tự hoàn thiện mình.
Thực hiện theo lời dạy của Người, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng; về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh. Phải thật sự chân thực trong công việc, cuộc sống.
“Muốn nêu gương, thì nói đi đôi với làm. Suy nghĩ và hành động đặt lợi ích chung lên trên hết, từ công tác cán bộ cho đến quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nhất là phải có tư duy để sự phát triển chung của tỉnh tốt hơn. Mong muốn của tôi Đảng phải mạnh, chính quyền phải hành động, nói đi đôi với làm” - ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết.
Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm. GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là để chúng ta học và thực hành làm gương hay nêu gương một cách xứng đáng và danh dự, với tư cách là cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, trước nhân dân và xã hội.
“Muốn nêu gương thì chủ thể nêu gương ấy phải trung thực, trách nhiệm, có đức hi sinh, có động cơ sống trong sáng vì dân, vì nước, không có một cái gì riêng tư có tính chất chủ nghĩa cá nhân. Để làm được điều này, Bác nhấn mạnh ai cũng phải chú trọng nêu gương nhưng quan trọng nhất là người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao thì càng phải chú trọng gương mẫu và nêu gương. Đảng ta đã làm như vậy trong quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Quy định này rất được lòng dân và rất phù hợp với chỉ dẫn của Bác” - GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế. Hiện vẫn còn không ít cán bộ đảng viên, thậm chí cả những người có chức vụ thiếu ý thức rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, đi ngược lại với tư tưởng nêu gương của Bác.
Thực tế cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Điều đó càng đặt ra trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
PGS.TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trước tình hình Đảng ta đang tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong điều kiện vô cùng khó khăn phức tạp là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, đòi hỏi không chỉ tài năng vạch đường, dẫn đường mà còn nêu gương về mặt phẩm chất. Cho nên trong công tác cán bộ, hoạch định chiến lược, nhất thiết phải chọn, không để lọt những người không đủ phẩm chất, không đủ tính chất nêu gương vào trong hàng ngũ của Đảng.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận bản thân, noi gương Bác và thực hiện việc nêu gương. Để việc noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào thực chất hiệu quả, việc thực hiện phải nhất quán theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm” và bắt đầu từ những việc gần gũi, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ và sinh hoạt hàng ngày. Làm tốt những việc này chắc chắn việc noi gương theo Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tạo chuyển biến tích cực./
Theo Lại Hoa (VOV1)