NỚI KHUNG GIỜ LÀM THÊM TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI):
Phải hài hòa lợi ích
Dù có những quan điểm khác nhau, thậm chí là trái chiều về quy định nới rộng khung giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), song đa số ý kiến cho rằng quan trọng nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và người lao động.
Việc sửa đổi luật phải tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ NLĐ và thúc đẩy sự phát triển cũng như tính cạnh tranh của DN.
- Trong ảnh: Công nhân của một công ty may đóng trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Báo cáo về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (QH) ngày 14.8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho biết nhiều ý kiến băn khoăn về việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 lên 400 giờ/năm.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, QH đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994. Tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
Chủ tịch QH chỉ thực tế tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Ðồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ NLÐ và thúc đẩy sự phát triển cũng như tính cạnh tranh của DN. Mỗi năm đất nước đều phát triển hơn thì tất cả người dân Việt Nam, trong đó có NLÐ và người sử dụng lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, phải được hưởng thành quả nhiều hơn từ sự phát triển đất nước.
Nhiều đại biểu tán thành việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định. Đồng thời, phải trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm và khống chế số giờ làm thêm theo tháng.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ theo Bộ luật Lao động hiện hành chưa được cụ thể, sâu sát; quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến song chưa được kiểm tra, xử lý.
“Phải hết sức cân nhắc, bởi việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ khi trình độ công nghệ phát triển, trình độ tay nghề người lao động (NLĐ) ngày càng nâng lên. Mục tiêu quan trọng cần phấn đấu là tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ”, bà Hạnh nói.
Bà Lý Tiết Hạnh cho rằng, tình trạng quá tải, bị vắt kiệt sức lao động tuy không quá phổ biến nhưng không phải không có. Lao động nữ tại các khu công nghiệp không có thời gian để hẹn hò, tuổi thanh xuân trôi qua rất nhanh là một vấn đề xã hội lớn cần đặt ra và xem xét thấu đáo trong quá trình xây dựng luật pháp liên quan.
Trong khi đó, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, theo khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại một số DN lớn, các địa phương có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn NLĐ có nhu cầu làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Bên cạnh nhu cầu của NLĐ, các DN cũng muốn tăng giờ làm trong những thời điểm cụ thể, để đảm bảo tiến độ hoàn thành đơn hàng.
“Đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm có cơ sở từ thực tế, song với điều kiện DN phải tăng lương lũy tiến theo giờ; làm thêm phải có sự tự nguyện của NLĐ, trên nguyên tắc thỏa thuận, thống nhất giữa chủ DN với NLĐ”, ông Hùng nêu ý kiến.
Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng công nhân lãng công để đòi hỏi đáp ứng nhu cầu chính đáng của mình, nhất là chế độ trong thời gian tăng ca. Làm tăng ca khá phổ biến, nhất là ở các công ty may, công ty gỗ, song không phải lúc nào NLĐ cũng được trả công xứng đáng. Anh N.V.C, công nhân một công ty may đóng ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, bày tỏ: “Tăng ca là cần thiết khi đơn hàng gấp gáp, khi DN mình gắn bó cần thì công nhân cũng phải cố gắng đáp ứng. Song, không thể bắt tất cả mọi người cùng tăng ca, nhất là những người sức khỏe không đảm bảo, hay mang thai. Bên cạnh đó, phải đảm bảo chế độ thích đáng cho thời gian làm thêm”.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang tiếp tục được lấy ý kiến trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
NGUYỄN VĂN TRANG