Cảm xúc cũng là một câu chuyện…
Nguyễn Ðặng Thùy Trang, SN 1993. Quê gốc ở xã Cát Hanh, Phù Cát. Hiện đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn.
Nguyễn Ðặng Thùy Trang là một người viết trẻ phát triển đều đặn cả thơ và văn xuôi, được đánh giá giàu tiềm năng. Mới đây cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện ngắn. Trong 5 năm gần đây, cô là tác giả trẻ đầu tiên ở Bình Ðịnh làm được điều này.
Trang tập viết văn và truyện ngắn được in báo, tạp chí khá sớm, ngay từ khi còn học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ngay từ những truyện còn non nớt, tác phẩm của Trang đã khiến người đọc chú ý đến cô bởi những nét riêng. Trang thổ lộ: “Với tôi, cảm xúc cũng là một câu chuyện. Cảm xúc thường rất khó nắm bắt, nếu giữ lại được nó cũng là một ý hay. Tôi nghĩ mình có ảnh hưởng từ các nhà văn Nhật và một tác giả mà tôi rất yêu mến, hâm mộ, người truyền lửa cho tôi - nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ”.
Nguyễn Đặng Thùy Trang thường xuyên nắm bắt được cảm xúc của mình và trải ra trên những trang viết. Có một số cây bút trẻ sau khi lập gia đình, chẳng mấy mặn mà chuyện văn chương chữ nghĩa nữa, bởi những vướng bận áo cơm, chuyện gia đình. Nhưng với Trang, lại khác. Lập gia đình, nhất là khoảng thời gian có em bé, Trang viết khỏe và chắc hơn trước. “Đây là khoảng thời gian đặc biệt. Vì nhiều sự thay đổi trong cuộc sống nên tôi có những cảm nhận mới hơn và khác hơn trước đây. Tôi viết như một sự giãi bày với con chữ!”.
Trang vồn vã chia vui với tôi khi cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện. Tác phẩm có tên hết sức gọn và gợi: Bay... Và, 20 truyện trong tập sách cũng sở hữu cái tựa cũng ngắn, gọn như vậy: Camera, Nến, Nguyệt, Nứt, Gương, Hẻm, Cái ôm, Cúc dại… Trang chia sẻ: “Bay là tập truyện ngắn đầu tay của tôi viết về những bạn trẻ và suy nghĩ của họ, cuộc sống của họ. Tập truyện ra đời là một niềm vui, may mắn đối với tôi. Khi làm bản thảo, tôi đã chờ đợi sự đồng ý của một nhà xuất bản nào đó. Và NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP HCM đã hỗ trợ in 500 cuốn. Đây là một khích lệ rất lớn”.
Cùng với truyện ngắn, Trang còn thử sức mình ở thể loại thơ và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực khi đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí như Văn nghệ quân đội, Tạp chí Sông hương, Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Bình Định, báo Tiền Phong… Trang nói, thơ là một mơ ước. Thơ của cô thường ngắn gọn, cô đọng, truyền tải được dòng cảm xúc, lấp lánh rất nhiều ý niệm và tôi có cảm giác dường như mỗi lần đọc lại, ta lại thấy hé ra một nét gì đó, một tông màu nào đó cứ bảng lảng quấn quýt. Tôi thấy thơ của Trang giàu sức gợi mở.
Từ khi làm mẹ, Trang viết đều, nhiều và đầy đặn. Tôi hỏi: “Chăm con, làm gia sư, lo việc nhà, vậy Trang dành thời gian nào cho chuyện sáng tác?”. Cô cười cười: “Tất nhiên, chăm con luôn đặt lên hàng đầu. Tôi viết vào những khoảng trống. Viết liền mạch thì viết trên máy tính, còn ý tưởng có thể soạn trên điện thoại. Mỗi ngày một ít. Và có một ngày để tôi tập hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm”.
Các sáng tác của những người trẻ thường được cho là thiếu trải nghiệm sống. Trang nhìn nhận: “Đó là vấn đề chung, cũng là một mặt hạn chế của Trang. Nhưng mỗi người viết sẽ luôn tìm ra một ý tưởng cho tác phẩm của mình sao cho luôn mới với bạn đọc. Như tôi đã kể, nay cảm xúc của tôi - với vốn sống nhiều hơn, đứng ở nhiều vai hơn - nhờ vậy cũng dồi dào hơn. Và việc thường xuyên viết trở thành một nhu cầu, là một cách để tôi hoàn thiện tác phẩm mình chẳng hạn”.
VÂN PHI