Thương những ngày xanh
Mãi vẫn còn xanh (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ đầu tay của Lý Thành Long (SN 1966, quê ở Hoài Nhơn) vừa ra mắt bạn đọc. Tập sách gồm 59 bài thơ được sắp xếp theo trình tự thời gian sáng tác. Thơ của Lý Thành Long đa dạng về đề tài, nhưng điểm dễ thấy là dù ở đâu nét thơ anh đều gần gũi, mộc mạc, chan chứa nỗi niềm.
Lý Thành Long dành một tình yêu mặn mà với quê hương Hoài Nhơn rợp bóng dừa xanh. “Đâu lối em về mây trắng vỡ/ Giếng Truông còn đó giếng Truông bồng/ Nỗi niềm chưa tím màu nhung nhớ/ Mà gió mưa về nhuộm bến sông/ Yêu em yêu cả hồn quê ấy/ Mỗi bóng dừa xanh một mảnh vườn” (Hoài niệm phố xưa).
Đọc thơ anh, người đọc cảm nhận anh yêu bằng tình yêu của một chàng thơ nơi đồng quê rơm rạ chất phác. Lấy niềm sẻ chia, sự đồng cảm để vin níu lòng nhau qua ngày tháng cơ cực, cảm nhận hạnh phúc từ những giản dị đời thường: “Càng thương em lúc ngồi bên bếp lửa/ Lá khô đun nồi gạo chín lưng nồi/ Đôi vai gầy thiếu tháng năm gồng gánh/ Vẫn nụ cười xao đỏ lửa bờ môi” (Mặn).
Đôi lúc, người đọc cũng thấy tác giả chông chênh lắm. Cái chông chênh của nỗi niềm người làm cha làm mẹ. Thấm thía sự hiu quạnh kiếp người. Đọc mà xót lặng: “Những con chim đủ lông đủ cánh/ Vẫy vùng bay ở mỗi phía chân trời/ Đấng sinh thành chân mòn gối lạnh/ Tựa vào nhau heo hút chơi vơi” (Những con chim đủ lông đủ cánh). Và tôi thích nhất là cái cách anh nghĩ về quê hương, nghĩ về chủ quyền biển đảo bằng sự giản dị: “Nơi anh đứng biển mặn mòi đâu hết/ Bởi thấm từng giọt máu của cha anh/ Nghe biển hát ngát xanh màu chữ S/ Hoàng Sa - Trường Sa, xương máu kết thành” (Nơi anh đứng).
Lý Thành Long “phải lòng” với thơ. Rồi cứ lai rai viết mỗi khi tiếng lòng bật lên cảm xúc, cần sự sẻ chia từ phía con chữ. Là viết vậy thôi. Để giải nén lòng mình. Để giằng giữ những khoảnh khắc mà mình từng rung cảm.
BẢO NHI