Vì sao lại gọi “dương cầm”?
Trong tiếng Việt, một số loại nhạc cụ nguồn gốc phương Tây thường có hai, thậm chí ba, bốn tên gọi. Đó chủ yếu là những tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Anh - Pháp và tiếng Hán. Chẳng hạn, violon có tên gọi Hán Việt là vĩ cầm, guitar có tên gọi Hán Việt là Tây Ban cầm, accordion có tên gọi Hán Việt là phong cầm hoặc thủ phong cầm, pipe organ còn gọi là đại phong cầm, harmonica còn gọi là khẩu cầm. Tương tự, piano cũng có tên gọi Hán Việt là dương cầm.
Hầu hết các tên gọi Hán Việt này đều có thể giải thích được, chẳng hạn gọi Tây Ban cầm là vì đàn này có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Thậm chí, một số loại còn được gọi bằng tên tiếng Việt tương đương, chẳng hạn phong cầm còn gọi là đàn gió (ngoài ra, còn gọi là đàn xếp, theo hình dáng của nhạc cụ), khẩu cầm còn gọi là đàn môi.
Vậy, vì sao “vua của các loại nhạc cụ” piano lại được gọi là dương cầm? Trước hết, về yếu tố cầm. Trong tiếng Hán, cầm (bộ ngọc) là tên một loại đàn xưa của người Trung Quốc (đàn cầm), về sau chỉ đàn nói chung. Cầm là đàn dài ba thước sáu tấc, căng 7 dây. Còn sắt là đàn có 50 dây, sau đổi thành 25 dây. Người xưa coi hai loại đàn này là “nhã nhạc chính thanh” (âm thanh chính của nhã nhạc). Đàn sắt, đàn cầm hòa tấu nhịp nhàng được dùng để ví cho vợ chồng hòa hợp. Cho nên, “duyên cầm sắt” (hoặc sắt cầm) mà ta thường gặp trong thơ văn trung đại chính là “duyên vợ chồng”.
Vậy còn dương. Trong tiếng Hán, dương thuộc bộ thủy, nghĩa là “biển lớn”, như trong Thái Bình dương, Ấn Độ dương, Đại Tây dương, Bắc Băng dương. Ngoài ra, dương còn được dùng để chỉ nghĩa “của/thuộc về nước ngoài” (hàm nghĩa chỉ phương Tây), như trong dương nhân (người nước ngoài), dương hóa (hàng nước ngoài), Tây dương (phương Tây). Như vậy, dương cầm có thể hiểu là “đàn của nước ngoài”, cụ thể hơn là “đàn của phương Tây”.
Ngoài ra, piano còn được gọi là cương cầm, trong đó, cương có nghĩa là “thép”. Tuy nhiên, tên gọi này ít phổ biến và gần như không được sử dụng trong tiếng Việt.
ThS.PHẠM TUẤN VŨ