Gạo Việt Nam xuất khẩu trên 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế
Đa số các sản phẩm nông sản Việt Nam kém cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu cũng bị mờ nhạt, như gạo Việt Nam đã xuất khẩu trên 20 năm nhưng chưa đạt thương quốc tế trong khi Campuchia 3 lần được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam nói như vậy tại hội nghị Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 28.8.
Theo ông Thúy, tại Việt Nam hơn 20 năm qua, phân bón đổ xuống đồng ruộng trên 165 triệu tấn các loại nhưng chủ yếu là phân bón hóa học. Việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa do nông dân đua nhau sử dụng phân bón hóa học đã làm cho đất bị suy thoái, chai hóa trầm trọng cho nên sản xuất nông nghiệp các loại cây, củ, quả thời nay sẽ không tự làm ra nông nghiệp hữu cơ hàng hóa được. Vì vậy, nếu không có phân bón hữu cơ đi trước thì không thể có một nền nông nghiệp hữu cơ hàng hóa bên vững, đột phá.
"Trong bối cảnh cơ chế thị trường ngày càng hội nhập sâu với các nước trong khu vực và trên thế giới thì đa số các sản phẩm nông sản Việt Nam kém cạnh tranh về chất lượng mẫu mã, thương hiệu cũng bị mờ nhạt, như gạo Việt Nam đã xuất khẩu trên 20 năm nhưng chúng ta chưa đạt thương quốc tế, trong khi đó Campuchia đi sau ta nhưng gạo thơm Phka Ramdoul (gạo lài Campuchia) đã 3 lần được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới vì họ thực hiện nghiêm ngặt quy trình sử dụng phân bón hữu cơ" - ông Thúy nói.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến tháng 6-2019 có gần 2.500 sản phẩm (chiếm 11,6%) phân bón hữu cơ, tăng 3,5 lần so với thời điểm tháng 12-2017. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên hiện nay ngành phân bón hữu cơ đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như số lượng cơ sở sản xuất và số lượng phân bón vô cơ đang chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với phân bón hữu cơ, chưa có nghiên cứu bài bản hệ thống về hiệu suất sử dụng phân bón, thất thoát dinh dưỡng và các biện pháp khắc phục…
Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020, ông Trung đề nghị hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ như: ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông về phân bón hữu cơ; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đi theo hướng chiều rộng, thâm dụng yếu tố tài nguyên là chính nên chuỗi giá trị ngắn, kém bền vững, bấp bênh về sản xuất, thị trường.
Nông sản Việt Nam đang xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, chúng ta tham gia hiệp định CPTPP, hiệp định EVFTA, đòi hỏi cực kỳ khắt khe vì vậy phải chuyển đổi phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh là một xu hướng tất yếu và bắt buộc vì 100 triệu dân không mua sản phẩm chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Sau 30 năm phát triển, nông nghiệp Việt Nam có những khía cạnh áp dụng thái quá, sử dụng nhân tố đầu vào chủ yếu là các yếu tố vô cơ. Mỗi năm Việt Nam sử dụng 13 triệu tấn phân nhưng chủ yếu là phân vô cơ.
"Một đất nước mà sản xuất cho ra năng suất rất cao, như lúa 6,2 tấn/ha, cà phê 2,5-3,5 tấn/ha thậm chí Lâm Đồng đạt 6 tấn/ha đều cao nhất thế giới nhưng tiền thì không nhiều nhất vì lạm dụng quá yếu tố vô cơ nên các sản phẩm nông sản không có giá trị kinh tế cao và để lại hệ lụy cả hệ sinh thái tài nguyên đất, môi trường bị ảnh hưởng. Vì vậy chủ trương của chúng ta phải tích cực chuyển nhanh, đồng bộ một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ để khôi phục hệ sinh thái đất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhất" – ông Cường nói.
Theo CHÍ TUỆ (TTO)