Bệnh viện lo chống rác thải nhựa
Không sử dụng nước uống đóng sẵn trong chai nhựa dùng một lần; dùng túi giấy đựng kết quả đựng phim X-quang, siêu âm, MRI; căng tin, quầy tạp hóa trong bệnh viện giảm dần đồ nhựa... Ðó là những cách “nói không” với sản phẩm nhựa và túi ny lông sử dụng một lần đang và sẽ tiếp tục được các cơ sở y tế tích cực thực hiện.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh - Phần mở rộng sử dụng túi giấy để đựng kết quả chụp X-quang, CT-Scanner, MRI...
Cuộc họp “không đồ nhựa”; túi giấy thay túi ny lông
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh - Phần mở rộng tạo thiện cảm và sự thích thú với bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân khi những tấm phim chụp X-quang, CT-Scanner, MRI… đều được đựng trong túi giấy thiết kế nhiều kích cỡ. Sáng 27.8, anh Nguyễn Lê Thành đưa ba mình đến bệnh viện khám bệnh và chụp X-quang khớp gối, cho hay: “Không phải đến giờ, mà từ lâu bệnh viện đã sử dụng túi giấy đựng kết quả dịch vụ cận lâm sàng thay túi ny lông, chúng tôi rất ủng hộ”.
Đưa vào tiêu chí đánh giá
“Tại Bình Ðịnh, ngay sau những chỉ đạo của Bộ Y tế, cùng với các giải pháp đã triển khai, Sở Y tế còn yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Công ty CP BVÐK Bình Ðịnh, Công ty CP BVÐK Hòa Bình đưa nội dung “chống rác thải nhựa” vào bảng điểm đánh giá, xếp loại thi đua của cơ sở y tế, các khoa, phòng và từng công chức, viên chức, nhân viên y tế, tránh tình trạng phát động xong rồi... để đấy!”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
“Tất cả các khoa, phòng chức năng đã ký kết với lãnh đạo bệnh viện về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động khám chữa bệnh, hội họp và sinh hoạt. Từ tháng 9 tới, bệnh viện sẽ tiếp tục trang bị bình nước loại 20 lít; ly bằng thủy tinh, giấy, hoặc inox trong buồng bệnh”, bà Nguyễn Thị Phương - Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện thông tin.
Không những vậy, từ ngày 22.8, khi cam kết chính thức diễn ra giữa bệnh viện và đơn vị cung cấp các dịch vụ dành cho bệnh nhân và nhân viên y tế, từ căng tin, siêu thị cho đến nhà ăn tại BVĐK tỉnh - Phần mở rộng cũng bắt đầu thay đổi. “Chúng tôi đầu tư ly thủy tinh để thay cho ly nhựa sử dụng một lần tại căng tin; sẽ thay thế dần sản phẩm sử dụng đồ nhựa một lần trong siêu thị như chai nước, ly uống nước. Đồng thời, tính toán để thêm sản phẩm bằng giấy, hoặc các vật liệu thân thiện hơn”, ông Phạm Văn Bình - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Đức Tín Thành Bình Định, cho hay.
Chưa thể linh hoạt như bệnh viện dịch vụ, nhưng từ hai tháng nay, BVĐK tỉnh cũng đã “nói không với đồ nhựa” trong các cuộc họp giao ban, tiếp khách thay toàn bộ ly nước và chai nước nhựa sử dụng một lần bằng bình nước, ly thủy tinh. Bệnh viện thực hiện phân loại đúng các chất thải có thể tái chế. Đặc biệt, giảm thiểu sử dụng túi nhựa đựng chất thải bằng cách tăng số lần sử dụng của túi nhựa màu xanh và màu trắng cho chất thải thông thường và chất thải tái chế trên xe tiêm, xe thay băng...
“Trong lĩnh vực y tế, các hoạt động chuyên môn cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân phát sinh nhiều rác thải nhựa. Bắt đầu từ thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi người, chúng tôi chú trọng tuyên truyền trong nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về giảm thải rác thải nhựa”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ, chia sẻ.
Có thể nói, ngành Y tế tỉnh bắt đầu triển khai phong trào “chống rác thải nhựa” từ cuối tháng 12.2018, đến nay, với sự vào cuộc đầy quyết tâm, tại nhiều bệnh viện của tỉnh đang dần “biến mất” chai nước suối tiện lợi, ly nhựa...
Không dừng ở phát động
Sở Y tế cho biết, chỉ 3 tháng sau khi triển khai phong trào “chống rác thải nhựa” trong toàn ngành, lượng chất thải nhựa có thể tái chế được các cơ sở y tế phân loại, thu gom và chuyển giao cho các đơn vị thu mua chất thải tái chế hợp pháp hơn 6.500 kg; túi ny lông đựng chất thải đã qua sử dụng sau phân loại, thu gom chất thải nhưng vẫn còn nguyên vẹn và được tái sử dụng lại hơn 10.000 túi.
“Trong tháng 8 này, tất cả cơ sở y tế đã ký cam kết với Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa và triển khai các giải pháp thực hiện. Đến 31.8, các khoa, phòng, bộ phận ký cam kết với lãnh đạo cơ sở y tế, cũng như cam kết giữa cơ sở y tế với các đơn vị cung ứng dịch vụ. Điều quan trọng là lãnh đạo các đơn vị phải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, khẳng định.
Không chỉ chú ý đến hoạt động của bệnh viện, BVĐK tỉnh cũng yêu cầu tổ chức thiện nguyện chuyển đổi dần đồ nhựa sử dụng một lần sang sản phẩm thân thiện hơn trong cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân. Bác sĩ Huỳnh Thị Vân, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho hay, bệnh viện đã làm việc một số tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ cà mèn inox cho bệnh nhân nghèo; còn các tổ chức cấp suất ăn miễn phí cũng không sử dụng túi ny lông đựng thức ăn. Bệnh viện sẽ trang bị bình nước lọc loại lớn, dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân...
“Khi thay thế túi giấy, bệnh viện phải chấp nhận một thực tế là chi phí đội lên khoảng 140% so với dùng túi ny lông. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định chuyển đổi trong tháng 9 tới, riêng khoa Dược chờ một hai tháng để hết gói thầu. Chúng tôi chủ động làm, bởi đây cũng là chuyện của chính mình”, bác sĩ Hồ Việt Mỹ chia sẻ.
MAI HOÀNG