Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019: Hấp dẫn, bổ ích
Vòng chung khảo Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 diễn ra tối 26.8 đã để lại nhiều ấn tượng, hấp dẫn và bổ ích cho người xem.
Tiểu phẩm “Chuyện làng tôi” của đội huyện Vĩnh Thạnh cung cấp nhiều kiến thức pháp luật bổ ích về hôn nhân gia đình.
Tham gia Cuộc thi có 4 đội thi đến từ huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Vĩnh Thạnh. Thông qua hình thức sân khấu hóa, những “hòa giải viên” đã mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả theo dõi cuộc thi không chỉ bởi sự thông minh, dí dỏm, am hiểu pháp luật mà còn là khả năng xử lý các mâu thuẫn, khúc mắc, tranh chấp một cách khéo léo và có lý, có tình.
“Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Sự tham gia lặng thầm nhưng chứa đầy nhiệt tình và trách nhiệm của hàng nghìn hòa giải viên đã góp phần hàn gắn những rạn nứt, xóa bỏ những mâu thuẫn, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình, cộng đồng dân cư”.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRầN CHÂU phát biểu tại cuộc thi)
Ngay phần giới thiệu, các đội thi đã mang đến những tiết mục đặc sắc, toát lên tính chất, công việc đặc trưng của công tác hòa giải ở cơ sở. Ở phần thi kiến thức và xử lý tình huống, các câu hỏi trắc nghiệm, tình huống là những sự việc thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều câu hỏi, tình huống về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình tương đối phức tạp được 4 đội thi bám sát, vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý nhanh gọn, chính xác. Các đội còn liên hệ thực tế nơi cư trú bằng những sự việc cụ thể đã xảy ra, giúp phần thi sinh động, mang đến cho người xem nhiều kiến thức pháp luật bổ ích.
Đặc biệt, hấp dẫn, ấn tượng hơn cả là phần thi tiểu phẩm. Đội huyện Tuy Phước và Phù Mỹ chọn chủ đề liên quan đến bạo lực gia đình với tình huống người chồng hay say xỉn, đánh đập, chửi mắng vợ con khiến gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”. Đội huyện Vĩnh Thạnh chọn chủ đề gắn với đặc trưng vùng miền là tảo hôn. Còn đội huyện Hoài Nhơn tập trung vào câu chuyện trọng nam, khinh nữ; gia đình buộc con gái nghỉ học sớm để tập trung “đầu tư” việc học của con trai.
Mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện rất đời thường mà hầu như ở quê hay phố đều có, đã và đang xảy ra. Bằng những hiểu biết về pháp luật và truyền thống, phong tục tập quán địa phương; bằng sự kiên nhẫn, khéo léo, lập luận chặt chẽ, có lý có tình, các hòa giải viên đã tháo gỡ từng mối khúc mắc, bất hòa. Những người trong cuộc cũng dần bình tĩnh, ngộ ra thiếu sót, cách hành xử chưa đúng để tự điều chỉnh, giúp cuộc sống gia đình trở lại ấm êm, hạnh phúc. Qua đây cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở thực sự là cầu nối xóa đi các mâu thuẫn, góp phần hạn chế hậu quả xấu trong gia đình, cộng đồng dân cư.
Anh Thanh Bình, hòa giải viên - thành viên đội thi huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Làm hòa giải viên cơ sở, thường xuyên đối mặt với các tình huống, mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không biết cách hòa giải, không nắm rõ luật, không biết thuyết phục, phân tích thấu tình đạt lý thì rất khó thành công. Qua cuộc thi, chúng tôi được giao lưu với các đội bạn, trau dồi thêm kỹ năng làm công tác hòa giải; đúc rút thêm kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết pháp luật để làm tốt hơn công việc của mình”.
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019, đánh giá: Cuộc thi năm nay cho thấy sự vững vàng, tiến bộ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, xử lý tình huống, cũng như bản lĩnh của những hòa giải viên. Qua cuộc thi, đội ngũ hòa giải viên cơ sở được nâng cao năng lực; khuyến khích nhân rộng các mô hình hòa giải hay; tôn vinh những hòa giải viên tích cực. Đồng thời, cuộc thi còn là hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng đến người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
CÔNG LUẬN