Góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức:
Cần cụ thể hóa nhiều quy định
Các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có tác động sâu rộng trong đời sống nên việc sửa đổi, bổ sung cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi để có được những nội dung mới, cụ thể, sát hợp với thực tiễn.
Ngày 29.8, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức.
Tránh hệ lụy khi điều động, luân chuyển
Mở đầu phần góp ý, ông Lê Kim Chinh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) - đề cập đến câu chuyện Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn từ chối nhận nhiệm vụ tại Hội CTĐ của tỉnh này. Một trong những lý do của việc này là sau khi điều động, ông Nhơn từ công chức thành viên chức, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi cá nhân. Từ câu chuyện này, ông Chinh cho rằng dự thảo cần bổ sung nội dung quy định về việc điều động công chức sang làm viên chức và ngược lại để tạo sự yên tâm cho người được điều động.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Đình Hy tham gia góp ý tại hội nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) Lê Tấn Nghĩa cho rằng, cần có quy định cụ thể trong quá trình thực hiện điều động, luân chuyển, tránh làm cho người trong cuộc có cảm giác thiệt thòi, mất quyền lợi.
Bên cạnh đó, ông Chinh và ông Nghĩa cũng quan tâm đến các quy định về phân loại, đánh giá CBCC. Theo đó, đề nghị quy trình đánh giá CBCC phải chặt chẽ, dân chủ, khách quan, bảo đảm đánh giá đúng năng lực, kết quả công tác của người được đánh giá. Bên cạnh đó, cần có tính toán để thực hiện “liên thông” trong đánh giá về mặt Đảng và chính quyền để giảm bớt các khâu không cần thiết.
Ngoài ra, nhiều ý kiến quan tâm đến quy định về xử lý kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Đây là một chủ trương lớn, là nội dung mới, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý, bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Phải cụ thể, chi tiết
Liên quan đến quy định về chính sách đối với người có tài năng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng cần làm rõ khái niệm “người có tài năng”, “người có tài năng trong hoạt động công vụ”. “Quan trọng hơn nữa là chính sách phải phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tình trạng người có tài thu hút về chỉ làm việc một thời gian ngắn lại quay lưng bỏ đi”, bà Hạnh nói.
Cần có quy định “phải từ chức”
Tham gia góp ý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Ðình Hy đề cập đến câu chuyện từ chức phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong khi ở nước ta lại hiếm thấy. “Với những người không còn đủ uy tín, sức khỏe thì “phải từ chức” chứ không chỉ quy định “có thể từ chức”. Từ chức xong, nếu sau đó khôi phục được uy tín, sức khỏe thì vẫn có thể quay lại chức vụ cũ khi đủ điều kiện”, ông Hy nêu ý kiến.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, khái niệm “người có tài năng”, “người có tài năng trong hoạt động công vụ” chỉ gói gọn trong đối tượng CBCC là chưa đầy đủ. Bởi, tài năng thể hiện rõ nhất trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là với các nhà khoa học. Ông Long cũng cho rằng Chính phủ cần quy định khung chính sách, để các ngành, địa phương căn cứ vào đó thực hiện. Ông Long nêu trường hợp tỉnh có hợp đồng 1 người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài về điều hành Trung tâm Khám phá khoa học (thuộc Sở KH&CN) nhưng vướng nhiều quy định, không bổ nhiệm được, cũng khó trong việc tính toán mức lương phù hợp.
Về các trường hợp tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển, Phó Trưởng phòng công chức viên chức (Sở Nội vụ) Mai Hồng Quân cho rằng cần điều chỉnh lại nội dung “Người học theo hình thức cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học”. Bởi, “nơi cử đi học” là UBND cấp tỉnh, trong khi UBND cấp huyện mới là đơn vị xem xét, giới thiệu người đi học cử tuyển theo nhu cầu nhân lực thực tế của địa phương.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đặng Thu Hương băn khoăn với quy định “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đảm bảo công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả”. “Vấn đề đặt ra là ai kiểm định? Cơ quan Nội vụ hay thủ trưởng đơn vị tuyển dụng? Thực hiện trước hay sau khi công chức đã được tuyển dụng vào đơn vị?”, bà Hương đặt vấn đề.
NGUYỄN VĂN TRANG