Hoài Nhơn: Nghệ nhân bài chòi tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ
Huyện Hoài Nhơn là địa phương tiêu biểu trong thực hiện công tác bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi dân gian. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành, không thể không kể đến sự tâm huyết của các nghệ nhân khi đi đến nhiều địa phương, trường học để truyền dạy và phục dựng hội đánh bài chòi.
Hội đánh bài chòi dân gian đã được tổ chức phục vụ người dân ở nhiều xã, thị trấn của huyện Hoài Nhơn.
Người dân Hoài Nhơn vốn có truyền thống yêu thích hô hát bài chòi. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, tại thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, nghệ nhân ưu tú Phạm Nghiễm (đã mất) đã từng đứng ra tổ chức các hội đánh bài chòi vào dịp tết.
Đến đợt tập huấn phục dựng hội đánh bài chòi dân gian do tỉnh tổ chức cách đây 8 năm, các nghệ nhân xứ dừa đã được nâng cao hơn ý thức, tích cực chung tay thực hiện công tác này. Hiện 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có CLB bài chòi dân gian. Đặc biệt, 3 trường THCS Hoài Châu, Tam Quan, Tam Quan Nam cũng thành lập và duy trì hoạt động CLB bài chòi dân gian, thu hút học sinh tham gia. Tuy vậy, quan trọng hơn lượng vẫn là chất, là khả năng hoạt động của các CLB. Điều này đòi hỏi công tác truyền dạy và phục dựng cần chú trọng cả hai yếu tố rộng sâu.
Về bề rộng, nói cách khác là tính lan tỏa, việc truyền dạy và phục dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo sự yêu thích nghệ thuật hô hát bài chòi dân gian đối với người dân. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm VH-TT&TT và Phòng VH&TT huyện Hoài Nhơn, lực lượng nghệ nhân của huyện đã truyền dạy, giúp cho ban hiệu của các CLB hiểu và thực hiện được các hoạt động có tính nghi lễ của hội đánh bài chòi, như: Thủ tục như khai trường, khai hội, cách di chuyển, chào mời, dâng thưởng; thuộc lòng các câu thai sẵn có trong dân gian; cách hô các câu thai đúng chất bài chòi cổ từ các làn điệu cơ bản… Có thể nói, đây là những kỹ năng cơ bản mà các hiệu phải thực hiện được. Qua công tác truyền dạy và phục dựng hội đánh bài chòi ở các xã do các nghệ nhân thực hiện, hầu hết anh hiệu, chị hiệu ở địa phương đều nhiệt tình hưởng ứng.
Về chiều sâu, là bước truyền dạy và phục dựng có tính nâng cao, chú trọng đầu tư khả năng diễn xướng của các hiệu, tạo nên chất lượng đồng đều của một ban hiệu, nhằm lôi cuốn và phục vụ tốt hơn người dân đến chơi. Trong quá trình truyền dạy, các nghệ nhân luôn gợi ý những người làm hiệu phải thường xuyên trau dồi năng lực diễn xướng. Bước đầu, các CLB được cung cấp các câu thai mới qua sưu tầm hoặc sáng tác, sau đó tập cho các thành viên CLB tự sáng tác câu thai. Mỗi tên con bài trong hội đánh bài chòi đều có thể tạo ra những câu thai mới, nhưng phải giữ được ý nghĩa và nét đẹp dân gian của câu thai. Điều quan trọng là mỗi câu thai, nội dung của nó đều nảy sinh từ một tình huống cụ thể mà người làm hiệu phải có khả năng ứng diễn một cách ngẫu hứng, từ những mối tương tác tổng hòa trong không gian diễn xướng. Ban hiệu ở một CLB nếu đạt được khả năng diễn xướng như vậy, là đã làm bật lên được giá trị của Di sản văn hóa bài chòi dân gian Bình Định.
Ngoài ra, hưởng ứng dự án sân khấu học đường, đưa nghệ thuật tuồng và bài chòi vào trường học, một số nghệ nhân bài chòi tiêu biểu của huyện đã tích cực đi về các trường THCS để hướng dẫn về hội đánh bài chòi. Ở lứa tuổi này, các em học sinh có khả năng nắm bắt khá tốt, nên thuận tiện trong việc truyền dạy về cách hô hát bài chòi dân gian. Ngoài những câu thai cổ đã và đang được lưu truyền cần phải cho học sinh học thuộc để bảo tồn, nghệ nhân khi truyền dạy còn phải sáng tác nhiều câu thai mới phù hợp với tâm lý tình cảm của lứa tuổi này. Vì vậy, khi tham gia làm hiệu, các em đã vận dụng được những tình huống phù hợp để phát huy năng lực diễn xướng trong hội chơi.
LONG LÝ