Tìm về quá khứ
Giữa guồng quay chóng mặt của cuộc sống, nhiều người muốn sống chậm lại với những hoài niệm quá khứ. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều quán ăn, tiệm cà phê thậm chí nhà trọ theo hơi hướng thời bao cấp đã ra đời ở Quy Nhơn.
Những góc xưa cũ trở thành điểm check - in của nhiều người.
Được xem là tiên phong của mô hình “kinh doanh hoài niệm” tại Quy Nhơn, quán cà phê “Quy Nhơn xưa” đã tái hiện lại “thời bao cấp” với mái ngói rêu phong, nền gạch hoa phủ bụi thời gian... Một chiếc bi đông, chiếc ti vi đời cũ hay những chiếc bàn được sáng tạo từ chân máy khâu cũ, các bức ảnh đen trắng về Quy Nhơn những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như nhà thờ lớn Quy Nhơn, góc ngã tư Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ, hay Trường Quốc học Quy Nhơn... Không gian và vật dụng đậm thời bao cấp đã tạo một nét nhấn độc đáo xen lẫn sự hiện đại của hàng quán xung quanh đã tạo cho “Quy Nhơn xưa” điểm cộng để thu hút khách. Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, một khách hàng quen chia sẻ, điều khiến chị thích đến đây là được ngồi trên chiếc ghế salon thời xưa, nghe tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc cassette cũ hay ngắm nhìn những ô lam trên tường, chiếc cửa gỗ cũ kỹ, những bức tranh đặc tả những người phụ nữ đậm chất miền Trung... tất thảy như sống lại thời xưa, giúp chị vơi đi nỗi nhớ người mẹ quá cố.
Cũng lấy ý tưởng về thời bao cấp, không gian nhà hàng cơm “Mậu” đã tái hiện khung cảnh quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Ngoài những món ăn ngon đậm chất gia đình, sức hút của “Mậu” đối với khách hàng còn là biển hiệu “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 179” và những câu khẩu hiệu một thời “Ở đây tai vách mạch rừng. Có gì bí mật xin đừng nói ra” hay “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” cùng những vật dụng cổ xưa như cái phích nước, tủ ly cũ, chiếc ti vi, đèn dầu,... được bài trí hợp lý, góp phần giúp thực khách hình dung về một giai đoạn trong lịch sử dân tộc. Ông Đào Trường Thành, 81 tuổi, chia sẻ khi đến quán cơm “Mậu”: “Từ biển hiệu bên ngoài đến không gian bài trí bên trong; được ngồi ăn trong tiếng nhạc nhẹ nhàng... khiến tôi như được trở về với ngày xưa”.
Kinh doanh, ai cũng hướng đến lợi nhuận. Song có thể nói ý tưởng và sự tìm tòi, chắt lọc của những người kinh doanh “hoài niệm” này cũng đáng trân quý. Anh Lê Bảo Giang, chủ quán cơm “Mậu”, chia sẻ: “Tôi nghĩ, bất kỳ gia đình Việt nào cũng ăn cơm nên quyết định mở quán cơm này. Và để đặc biệt hơn, tôi chọn theo phong cách cũ. Đó là một thời lịch sử mà thế hệ trẻ bây giờ chỉ biết qua lời kể của ba mẹ, ông bà”.
Hay như chia sẻ của anh Phạm Ngọc Hiếu, người đồng sáng lập quán “Quy Nhơn xưa”, rằng nảy ra ý định mở quán cà phê theo phong cách cũ là khi anh thuê được căn nhà xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước và mọi thứ vẫn được giữ nguyên. “Chúng tôi lấy ý tưởng từ các làng nghề của Bình Định như làng nghề làm nón lá, làng gốm... làm chủ đạo để thiết kế quán với hy vọng đây sẽ là nơi tìm về một thời lịch sử của đất nước, của Quy Nhơn, của ông bà, để thêm nhớ, thêm yêu mảnh đất Quy Nhơn. Và tôi đã thật sự thấy vui khi bắt gặp những bác lớn tuổi, những người xa quê tìm đến đây, có người đã bật khóc khi ngắm lại những góc phố Quy Nhơn xưa qua những hình ảnh được lưu giữ lại”.
Xu hướng dùng các đồ vật của thế kỷ trước để trang trí quán ăn, quán cà phê xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây, đã và đang tạo nên một nét riêng độc đáo cho TP Quy Nhơn, một thành phố trẻ đang trên đà phát triển du lịch, rất cần sự đa dạng, nhiều phong cách.
KIỀU ANH