Những mùa sen Bình Định
Đến Bình Định mùa nắng, bạn sẽ được đắm mình trong một không gian lung linh đủ màu tươi tắn của hoa giấy, hoa mười giờ và nhộn nhịp bậc nhất là ở các hồ sen. Mùa sen nở nườm nượp người tới lui thăm thú, chụp ảnh, mua hoa.
Dọc theo QL 1A, từ Bắc vào đến TP Quy Nhơn ven đường những hồ sen khoe sắc bình dị đang nhiều lên rất nhanh. Người ta hâm mộ sen đến mức không chỉ ở ao hồ trong làng mà nhiều cơ quan, đơn vị cũng hăng hái trồng sen để tô điểm nơi mình làm việc. Trường THPT Nguyễn Trân (Hoài Nhơn) là một điển hình với hồ sen rất to ngay trước cổng trường. Rồi đến các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Quy Nhơn... nhiều nơi sen cũng rợp đồng. Dấu hiệu để thấy sen được trồng nhiều lên rất nhanh là giá mỗi bó sen cắm bình nay chỉ còn khoảng 30.000 đồng, rẻ hơn trước rất nhiều.
Sen tỏa sắc duyên dáng nhưng bình dị. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
MÙA CỦA KÝ ỨC
Mùa này sen đẹp lắm, sen hồng, sen trắng, giờ đây người ta không chỉ trồng sen trong ao hồ mà còn có cả sen cạn, có nghĩa ta có thể tản bộ trong vườn sen mà khỏi lo vấy bùn. Nhiều người đến thăm hồ sen vì trước chưa được ngắm tường tận hồ sen như thế nào, dáng sen, ngó sen ra sao và cũng không ít người đến thăm để tìm lại ký ức thuở nào.
Vài hôm trước, theo trào lưu, tôi cùng nhóm bạn đến hồ sen cạn ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), mỗi người lần lượt kể những câu chuyện gắn bó với sen. An, đứa bạn tôi quen khi về Quy Nhơn làm, kể: Ai sinh ra ở quê hẳn cũng từng một lần giấu sen vào vạt áo mang về ướp trà cho ba. Ngày bé, có những sáng lén dậy sớm, tôi cùng chúng bạn í ới gọi nhau chạy ra ao sen chọn những bông sen trắng ngần ủ vào lòng mang về. Tôi cũng vậy, mỗi dịp nghỉ hè được về quê, đứa em tôi lại ra ao hái sen, lấy hạt sen nướng lên và xem đó là “kỳ trân”. Rồi chị em đi ra ao sen chơi, chụp ảnh hóng gió. Vì ao sen của làng trong góc khuất, dưới rặng tre nên cũng không nhiều người ghé đến. Vì thế mà tôi được hưởng trọn không gian tĩnh lặng mát mẻ cả mùa hè.
Rồi thế, mùa sen ngày càng nở rộ, vun ký ức cho những người lâu rồi chưa được hít hà hương sen dịu mát. Không chỉ có những hồ sen có diện tích lớn được nhiều người biết đến, trong xóm cũng có những ao sen be bé. Đó là những ao trũng không trồng lúa được, người dân trồng sen điểm tô làng quê và nuôi cá. Đó sẽ là ký ức đẹp của bọn trẻ trong làng khi mai này khôn lớn.
Hóng gió, ngắm sen, nghe tre rì rào.
SEN QUÊ LÊN… MẠNG
Tôi được quen vài người bạn rất yêu sen, nhưng không chỉ ngắm nghía hay gợi nhớ, họ chọn đồng hành cùng sen. Mỗi lần về quê, anh Nguyễn Sa Huỳnh (Phù Mỹ) thường lang thang khắp các nẻo đường quê đi ghi lại những hình ảnh của quê hương. Có khi anh chụp ngôi nhà nhỏ, con đường nhỏ của quê anh; khi là cánh đồng lúa chín; là đầm Trà Ổ trong ánh hoàng hôn. Dạo gần đây, mỗi lần anh về Phù Mỹ, không thiếu trong bộ sưu tập ảnh quê hương là những vạt sen khoe sắc ven đầm Trà Ổ. Cánh sen hồng, cánh sen trắng muốt, sen đỏ hay đôi lúc là tấm ảnh bông sen tàn lộ ra những đài sen… Sen trong mắt anh không nhất định phải có những cô áo yếm, môi hồng mà đơn giản là những bông sen bung nở buổi sớm mai, bình dị mà gần gũi. Với những người con xa xứ, thêm mùa sen nở giống như thêm cái cớ để trở về quê hương. Những mùa sen tô điểm thêm cho nét đẹp mộc mạc của những làng quê ven đầm Trà Ổ, gợi thêm nỗi nhớ, niềm thương trong mỗi con người.
Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty Du lịch Bình Long, cũng chọn sen để làm điểm nhấn cho các tour du lịch về quê hương Phù Mỹ. Hỏi anh sao lại chọn sen, dĩ nhiên bên cạnh những yếu tố về tự nhiên, những đóa sen vươn lên từ bùn lầy, thanh tao gợi cho người ta nhiều cảm xúc, mang đến sự bình yên trong tâm hồn. Từ những đóa sen hồng, sen trắng rải rác khắp bốn phía đầm, anh gom lại rồi đưa thêm những giống sen mới về trồng.
Những ngày tháng 4, tháng 5 nếu về Tây Sơn, bên hông Bảo tàng Quang Trung là một đầm sen, điểm đặc biệt ở đây là toàn hồ gần như sen trắng chiếm tỷ lệ tuyệt đối. Trong nắng, trong gió những đóa sen trắng ngần vươn mình lên trên nền lá xanh khoe sắc, hương theo gió bát ngát cả một vùng. Du khách về tham quan Bảo tàng mùa này, thường được tư vấn nên đến hồ sen chụp ảnh lưu niệm.
Trồng sen không khó nhưng khi hết mùa, người dân lại phải lặn lội cắt cành, chăm bón hoặc trồng thêm sen vào những chỗ bị chết để đợi mùa sen tiếp theo.
THẢO KHUY - THU DỊU