Mảnh long bào cho bống
Có hàng mấy nghìn loài cá bống phân bổ khắp địa cầu, từ vùng ôn đới đến miền nhiệt đới và cả hàn đới, từ nước ngọt sang nước lợ rồi nước mặn, từ châu Âu sang châu Á, từ châu Mỹ đến châu Phi và cả châu Đại Dương.
Cá bống kho trã đất.
Ngay ở trong nước Việt, họ hàng nhà bống cũng lỉ kỉ biển hồ đầm sông, đông tây nam bắc. Ngoài đại dương có cá bống mú lưng xám bụng trắng thon dài; trong lục địa cá bống tượng màu đen vằn nâu, đầu nhô bướng bỉnh. Nếu như vùng cửa biển Nam Định nổi tiếng cá bống bớp nhỏ nhắn dong dảy thì xứ cù lao miệt Sóc Trăng, Bến Tre vang danh cá bống sao, da lấm tấm những chấm trắng li ti, le te giữa bần đước lẫn thòi lòi, ba khía; còn trên Tây Nguyên có cá bống thác Đắk Lắk thân tròn săn chắc, can trường cùng thác bạc ghềnh xanh.
***
Ở miền Trung, cá bống sông Thu Bồn có con to cỡ cườm tay, cá bống sông Đà Rằng trắng dịu, cá bống sông Trà Khúc nhỏ nhắn chắc lẳn, cá bống thệ phá Tam Giang mập tròn ù òa ù uập giữa hang hốc rong rêu tầng đáy phá Tam Giang. Trái đất hơn ba phần tư mặt nước, Việt Nam diện tích lục địa cũng non một phần tư so với diện tích mặt nước, bao nhiêu loài cá, kình ngạc hùng tráng, rô trê lươn chạch gụi gần, thu ngừ mòi nục thân mật, nhưng sao cái tên Bống trở nên “hot” từ đầu lưỡi tới trái tim Việt tộc, dịu dàng, thơm thảo, đượm đà niềm thương nỗi nhớ. Có phải “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” đã nở pháo hoa trong lòng giếng cô Tấm để đăng quang trong tâm hồn ca dao cổ tích người Việt từ người cầm cày đến kẻ cung kiếm bút nghiên, từ phận chân đất đến bậc đế vương?
Cái loài “bống bống bang bang” nũng nịu và quyền năng ấy ở Bồng Sơn có lý lịch và hành trình phiêu lưu kỳ thú. Trước tiên, nó là sản phẩm của một vùng sông núi vừa khắc kỷ vừa khoáng đạt, đầy chất dũng mãnh nhưng cũng đầy chất diễm lệ, hào hoa. Bình Giang Sa Ngư là cái tên chữ kiêu sa của loài cá bống cát sở tại, yếu tố Bình Giang là địa danh hành chính một làng chài, dân trên bờ thường gọi “nậu rớ”, toàn bộ ngư dân sống trên thuyền, lênh đênh khi khúc sông Kim Sơn, khi khúc sông An Lão, lúc khúc sông Bồng Sơn. Làng này cũng ngũ hương lý trưởng, một số thuyền cũng mời thầy đồ xuống thuyền dạy cho con em chút chữ nghĩa. Quan trên có việc giao phó thì buộc khăn trên gậy, cắm trên bờ làm hiệu để họ ghé vào giao lệnh. Như dân trên cạn, làng vẫn đóng thuế đinh và thuế đánh cá thay cho thuế điền. Mỗi mùa cá bống, làng chịu trách nhiệm tuyển lựa một lượng cá bống sống, rộng nước để nộp quan trên ngàn dặm ra Huế tiến các vua nhà Nguyễn. Con cá Bống Cát sông Lại có hành trình truân chuyên trên lưng voi lưng ngựa từ sông Lại quê mùa đến kinh kỳ phồn hoa đô hội, có mặt trên mâm cơm “ngài ngự thiện” của những ông vua nhà Nguyễn, sánh vai với những cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Dầm Xanh, cá Chiên, cá Bò Hòm lừng danh, chuyên dùng để tiến vua của sông suối biển giã xứ Bắc.
Nhà thơ Quách Tấn, tác giả quyển địa chí lừng danh Nước non Bình Định khi nhiệt thành đề cập cá bống cát sông Lại, có mô tả rất mỹ miều là “trắng như mụt măng lột hết vỏ, trong ruột đầy cả mỡ, kho với tiêu thì mùi thơm ngon bay ra, đến cả những bạn ăn chay trường lâu ngày, nhiều khi muốn trở ăn mặn” có lẽ là nói về trường hợp tương tự thế này chăng? Chỉ biết, lão thi nhân tả cá mà nao lòng như tả người, còn cha con chàng trai Ô Long thì đang động lòng trước cả cá lẫn người kho cá. Nghe nói chàng trai sức dài vai rộng đó không thuộc phạm trù “nhiều khi muốn” mà ở nội hàm “dứt khoát, đương nhiên” đã trở mặn ngay buổi chiều đầy hương vị ấy, và cả muôn chiều về sau, khi chàng quyết tâm xuống thuyền, bỏ cuộc sơn tràng theo đuổi nghề sông nước lênh đênh của nàng.
Thời Tây Sơn, sau chiến thắng Đống Đa, giao Ngô Thì Nhậm ở lại Bắc Hà, vua Quang Trung trở về kinh thành Phú Xuân. Đêm đầu tiên trong cung điện Đan Dương, sau nhạc võ ca khúc khải hoàn và vũ điệu La lăng vương truyền thống của các vũ công cung đình, vua không quên chiếc giỏ tre cá bống cát mà năm trước, một thôn nữ sông Lại xinh đẹp từ Bồng Sơn gửi ra ngàn dặm Thuận Hóa. Đáng lẽ món cá bống kho tiêu ăn với cháo gạo cà đung là món khoái khẩu của nhà vua những buổi sáng xưa quê nhà, đặc biệt là món ăn ấy càng ý nghĩa bao nhiêu trong thời điểm quần thần đã chuẩn bị sẵn lễ đăng quang, ông sắp lên núi Bân để cáo tế trời đất, lên ngôi hoàng đế trước khi xuất quân ra Bắc Hà. Nhưng ngày khởi phát cuộc hành binh thần tốc ấy, vua chỉ truyền quân mang theo gùi chè lá vằng giải khát trên lưng voi, còn cá bống sống cứ rộng nước giữ nguyên bên vườn thượng uyển, đợi ngày vua về. Đêm nay, trăng trong, gió rười rượi, vua nghe rõ tiếng thỏ thẻ từ chiếc giỏ tre đung đưa cạnh hồ bán nguyệt:
- Xin bệ hạ thôi đừng yêu Bống nữa!
Con người trận mạc gió bụi chợt thức tỉnh, ông lại gần hơn, gần hơn nữa, chỉ thấy cá bống quẫy đuôi lấp lánh bóng nguyệt thượng huyền tan vỡ giữa xoáy nước trong. Ông nhẹ nhàng cởi chiếc long bào treo lên cành sen cạn, như che bớt đợt sương gieo.
Ngày hôm sau, một toán thân quân lên đường xa xôi về vùng non Bồng sông Lại với sứ mệnh tìm dấu tích người con gái với đôi tay thơm thảo, tác giả giỏ tre cá bống cát và gùi búp chè đắng thơm thảo gửi hoàng đế trước lúc lên ngôi. Phủ Quy Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn lúc bấy giờ là đất thang mộc của Thái Đức hoàng đại huynh. Trong mây khói nước non diệu vợi, bóng người như bóng chim tăm cá…
Thực ra, từ khai thiên lập địa đến lúc có tên trên bản đồ Đại Việt, khi chưa mang địa danh Bình Định, cá bống cát, chè đắng đã là phẩm vật quý giá thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Nghe nói danh tướng Lý Thường Kiệt từ thế kỷ XI từng đốc quân qua đây, trên dặm nghìn chinh chiến đầu cồn cuối bãi cũng đã từng được thưởng thức các đặc sản địa phương này. Những câu chuyện cá và các triều đại, vua, hoàng tử, danh tướng nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê… bên cạnh kinh sách còn phảng phất từ trong các vỉa tầng văn hóa dân gian, qua truyền thuyết, giai thoại, ca dao, tục ngữ… làm gia vị thơm nồng sôi nổi, tôn vinh dấu tích nổi chìm của bước chân lịch sử.
NGUYỄN THANH MỪNG