Nghe phố kể truyền thuyết xưa…
“Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Lời của Lạc Long Quân vẫn còn văng vẳng đâu đó trong tâm thức dân gian.
Phối cảnh minh họa bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân. Sau đó cùng Âu Cơ kết mối duyên chồng vợ, rồi hai ngả từ biệt, đâu cũng đã hơn bốn nghìn năm theo truyền thuyết dân gian. Nhưng cái tinh thần đùm bọc, cưu mang, đoàn kết lẫn nhau của người Việt vẫn còn hằng in những giá trị. Con Rồng cháu Tiên vừa là một truyền thuyết đặc sắc, hấp dẫn, vừa là một huyền sử, để lại cho thế hệ cháu con những bài học quý báu về cội nguồn, gốc tích, về tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Theo thông tin từ Sở VH&TT, theo phương án, đơn vị thi công sẽ cắt vào sâu trong núi từ 20 - 25 m tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm làm quảng trường nhỏ, sinh hoạt cộng đồng. Khi hoàn thành, tổng chiều dài của phù điêu là 81,5 m, vị trí cao nhất là 35 m, hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000 m2. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Cũng trên tinh thần ấy, chợt nghe đâu đây lời thơ da diết của Nguyễn Khoa Điềm, ngân vang niềm tự hào và tình yêu với đất nước: “Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”/ Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”/ Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông/ Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ...” (Trích từ bài thơ Đất nước). Nhắc lại “huyền sử” xưa, những dòng thơ thân thương cũ, bởi hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ có lẽ sẽ gắn bó mật thiết với con người Quy Nhơn - Bình Định, trong tương lai rất gần.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Chánh Văn phòng Sở VH&TT, Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 2439/BVHTTDL-MTNATL ngày 5.6.2019 thỏa thuận với tỉnh Bình Định chủ trương xây dựng phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” tại TP Quy Nhơn. Vị trí tạc phù điêu là vách núi Bà Hỏa nằm tại ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, nơi dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn. Đây là một vị trí đắc địa dù đây đó vẫn còn có ý kiến trái chiều.
Ý tưởng tạc phù điêu trên núi, đã có từ lâu. Năm 2017, cuộc thi sáng tác phù điêu trên các vách núi tại TP Quy Nhơn đã nhận nhiều cộng hưởng. Mẫu phù điêu hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ được chọn đã thể hiện được nét đẹp nghệ thuật và ý nghĩa của mình. Đây cũng là ý tưởng ban đầu cho việc tạc phù điêu tại núi Bà Hỏa. Tôi hình dung, khi công trình về Lạc Long Quân và Âu Cơ hoàn thiện, sẽ tạo nên điểm nhấn của TP Quy Nhơn, hướng về nguồn cội. Và từ đây, mỗi người dân, hay khách thập phương có dịp về với phố, sẽ thấy ngay cửa ngõ thành phố, nơi tựa lưng vào núi nhìn về biển mênh mang kia, có một câu chuyện truyền thuyết xưa được khắc tạc. Và hẳn rồi, từng thớ đất non sông nơi đâu chẳng có dấu chân tiên tổ, dấu chân người mở cõi đã lằng lặng trong nhớ tưởng của cháu con.
Núi Bà Hỏa tại ngã 5 Đống Đa, nơi sẽ được tạc phù điêu.
Đây là một công trình quy mô, có nội dung, ý nghĩa sâu sắc. Theo Sở VH&TT, tác phẩm phù điêu sẽ được khắc họa theo 3 lớp. Lớp thứ nhất nằm chính giữa, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt. Lớp thứ 2 thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ. Lớp thứ 3 thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Những tính toán về độ an toàn, góc nhìn thẩm mỹ cũng đã được cân nhắc tỉ mỉ, cẩn trọng. Bước đầu, Sở VH&TT đã mời Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đến thăm dò, khảo sát. Kết quả thăm dò cho thấy, đá ở núi Bà Hỏa là đá liền khối, đủ điều kiện để điêu khắc, tạc thẳng phù điêu vào núi.
Công trình này đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Với quy mô, nội dung và tư tưởng, công trình không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ, mà còn nhiều hơn thế là gửi trao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cùng đón đợi phố biển Quy Nhơn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện huyền sử, để kết nối mỗi người xích lại gần nhau hơn trong tình yêu non sông gấm vóc và tự hào dân tộc.
BẢO NHI