Khai thác du lịch văn hóa Quy Nhơn
Quy Nhơn đang ngày càng thu hút đông đảo du khách, nhưng mới chỉ tập trung vào du lịch biển đảo, phần tài nguyên danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa đa dạng, độc đáo khác đang chờ khai thác.
Tháp Đôi Quy Nhơn lung linh về đêm. Ảnh: HOA KHÁ
DỒI DÀO TÀI NGUYÊN DU LỊCH
“TP Quy Nhơn nên chọn một điểm nhấn về du lịch dựa trên sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các di sản văn hóa của địa phương. Khi định hình được sản phẩm du lịch, sẽ giúp cho di sản sống được với cộng đồng và ngược lại cộng đồng hưởng lợi từ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.
(Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Thị Vinh Hương)
Theo thống kê, trên địa bàn TP Quy Nhơn hiện có 37 di tích lịch sử, văn hóa. Trong số này, có 4 di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia (Tháp Đôi, Bãi Nhạn - núi Tam Tòa, mộ Hàn Mặc Tử và danh thắng Ghềnh Ráng, Nhà tù số 9 Đào Duy Từ) và 8 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, là nhiều lễ hội dân gian, lễ hội mới gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống đã được quan tâm tổ chức như lễ hội cầu ngư, lễ hội tại Đền thờ Đức Thánh Trần, lễ hội thanh minh, Ngày hội văn hóa - thể thao miền biển...
TP Quy Nhơn còn là nơi tập trung nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, võ sư, HLV, VĐV tài năng của 3 đơn vị nghệ thuật, thể thao chuyên nghiệp hàng đầu trong cả nước ở lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tuồng, bài chòi, võ cổ truyền. Đây là lực lượng hùng hậu có thể đáp ứng tốt yêu cầu biểu diễn phục vụ du lịch, nếu biết cách khai thác hiệu quả. Có một điểm rất thuận lợi để du khách tìm hiểu văn hóa, lịch sử đất Võ là Bảo tàng tỉnh. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 10.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về đất và người Bình Định qua nhiều thời kỳ lịch sử, với các bộ sưu tập phong phú, độc đáo về gốm thời kỳ Sa Huỳnh, gốm Champa, gốm Bình Định, điêu khắc mỹ thuật Champa, các hiện vật thời Tây Sơn....
“Khai thác tour du lịch gắn với khám phá di sản văn hóa ở Quy Nhơn hiện nay là còn thiếu điểm nhấn do chưa được đầu tư một cách hiệu quả để trở thành điểm dừng chân thu hút du khách ghé qua. Ða phần các di tích lịch sử - văn hóa mới chỉ là điểm cộng thêm cho du khách về Quy Nhơn với mục đích chính là đi chơi biển, đảo...”.
(Bà Lê Thị Thanh Trà, Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Du lịch, Trường CÐ Bình Ðịnh)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT), nhìn nhận: “Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn, cần được khai thác hiệu quả để góp phần phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Với đà thu hút du khách ngày càng đông như hiện nay, Quy Nhơn có thêm điều kiện thuận lợi để có thể xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Để thực hiện điều này thì cần phối hợp thực hiện giữa nhiều đơn vị, DN liên quan, như tăng cường đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, nâng cao năng lực hướng dẫn viên liên quan đến các tour lịch sử, văn hóa; bảo tồn các giá trị văn hóa trong việc quy hoạch đô thị...”.
CÓ ĐẦU TƯ MỚI KHAI THÁC ĐƯỢC TIỀM NĂNG
Trong Kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch TP Quy Nhơn năm 2019 được UBND TP Quy Nhơn ban hành cách đây hơn hai tháng, có đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng: nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch văn hóa tâm linh. Tiếp tục trùng tu, tôn tạo di tích chùa Ông Nhiêu (Đền Quan Thánh). Tổ chức lễ húy kỵ, lễ khai ấn kết hợp với phát huy không gian văn hóa tại Đền thờ và tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa Ông Nhiêu. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bài chòi dân gian, hát bội, võ cổ truyền Bình Định.
TP Quy Nhơn sẽ tiếp tục tổ chức các hội đánh bài chòi cổ dân gian để phục vụ khách du lịch. Ảnh: HOÀI THU
Ông Lê Anh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Chủ trương của lãnh đạo thành phố là khai thác du lịch gắn với việc bảo tồn, gìn giữ các di sản trên cơ sở tuyên truyền cộng đồng cùng tham gia. Hiện đã thành lập tổ tư vấn của thành phố hỗ trợ cho các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý, xây dựng thí điểm một tour du lịch cộng đồng tại nơi đây, để du khách không chỉ đến đi chơi biển, đảo, mà còn tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, lao động, bản sắc văn hóa địa phương. Phối hợp thực hiện quy hoạch phân lô khu bảo tồn và phát triển du lịch khu vực làng chài xã Nhơn Lý, từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu, đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế qua Hội thảo chuyên đề bảo tồn văn hóa, kiến trúc làng ven biển để phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý do Sở Du lịch phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tổ chức năm 2018”.
Thi đấu cờ người kết hợp biểu diễn võ thuật là một trong những hoạt động thu hút du khách ở Quy Nhơn trong dịp Tết cổ truyền. Ảnh: HOÀI THU
Cũng nằm trong định hướng, nỗ lực tạo những điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa, UBND TP Quy Nhơn đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp tượng đài Trần Hưng Đạo và đường dẫn lên di tích. Ngoài ra, Phòng VH&TT, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi giai đoạn 2019 - 2020. “Trong tỉnh chỉ có TP Quy Nhơn duy trì tổ chức đều đặn trong nhiều năm qua hội đánh bài chòi cổ vào các dịp cuối tuần, lễ, tết phục vụ du khách và nhân dân. Dù còn một số khó khăn khiến hội đánh bài chòi đang tạm nghỉ, nhưng chúng tôi đang khảo sát hai địa điểm mới tại khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành và Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn mở rộng để tiếp tục duy trì tổ chức hội đánh bài chòi theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng, tạo sự sinh động, hấp dẫn hơn, nhằm thu hút được đông du khách...”, Trưởng Phòng VH&TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Những năm qua, lượng khách du lịch đến Quy Nhơn tăng trung bình 20% mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, du khách đến thành phố đạt hơn 2,3 triệu lượt khách (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2018), trong số này có gần 198 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt gần 2.523 tỷ đồng (tăng 49,2% so với cùng kỳ).
HOÀI THU – THU DỊU