Quy Nhơn thành phố cây xanh
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch TP Quy Nhơn khẳng định, Quy Nhơn vẫn là thành phố dẫn đầu về cây xanh ở khu vực miền Trung. Vì vậy, gọi Quy Nhơn là thành phố cây xanh thì cũng không có gì quá lắm dù đây là thành phố gặp nhiều bất lợi về không gian.
Các nghệ sĩ gọi Quy Nhơn là “Thành phố thi ca” thì cũng không có gì quá lắm. Còn tôi thì muốn gọi Quy Nhơn là thành phố cây xanh, dĩ nhiên là có cả hoa nữa.
Công viên cây xanh nằm giữa hai tuyến đường Nguyễn Tất Thành và Phạm Hùng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
VƯỜN CÂY TRONG PHỐ
Các nhà thơ và nhạc sĩ như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, kể cả Văn Cao và Trịnh Công Sơn khi viết các ca khúc và làm những bài thơ nổi tiếng về Quy Nhơn, hẳn là khi thành phố này chưa có cây xanh nhiều như bây giờ và đẹp như bây giờ! Nói như thế không có nghĩa nếu các tác giả ấy mà viết lúc này thì thơ và nhạc sẽ hay hơn. Không hẳn vậy, kiệt tác bao giờ cũng ẩn chứa trong lòng nó những khoảng lặng của mắt bão. Cứ hao khuyết thế đi để cho trí tưởng tượng của người nghệ sĩ lấp đầy vào đó. Tôi đọc hầu hết các trước tác của những bậc tài danh nói trên, rất hiếm khi bắt gặp những tác phẩm nói đến cây, đến hoa mà chỉ thấy trong tác phẩm của họ vẻ đẹp liêu trai của những ngọn tháp nghìn tuổi, chỉ cảm được vẻ rạng ngời mê đắm của lớp lớp sóng biển vỗ bờ không ngơi nghỉ hoặc bắt gặp những mối tình thất lỡ đã để lại trong tâm tưởng thi nhân những vệt sao băng...
“Sợt” thử một phát về dịch vụ chăm sóc, mua bán cây xanh thì thấy, riêng Quy Nhơn có 6 công ty. Mức độ khả tín của những công ty này tới đâu thì còn phải kiểm chứng, song cả 6 công ty ở Quy Nhơn đều có địa chỉ, kèm theo đó là “chi tiết” của từng công đoạn. Bây giờ, một “cầu” có đến 10 “cung”, nếu quảng cáo ba xạo, chết ngay tắp lự nên chả ai dại gì đi “nổ”, nhất là “nổ” về cái công việc mà ai nhìn vào cũng biết xạo hay thật, như dịch vụ cung ứng và chăm sóc cây xanh. Tôi trêu ông bạn rành về hoa lá cỏ cây, sao lúc nào cũng khoe tướng lên là Quy Nhơn xanh thế này thế kia mà DN thì nhõn có 6 mống. Y gân cổ lên cãi, chắc là 6 cái to chớ trộng trộng có khi đến cả trăm. Tôi bật cười he he he, gác máy không nói thêm vì trước đó, khi “sợt” theo từ khóa Bình Định, web báo cả tỉnh có hơn 180 đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc, mua bán cây xanh.
Trêu nhau thế thôi chứ tôi biết thừa, ở một thành phố bất lợi về địa lý như Quy Nhơn thì nhu cầu cây xanh hẳn là nhiều hơn những thành phố khác. Bất lợi ở đây phải kể đến độ màu mỡ của đất. Hầu như các thành phố dọc miền Trung, nơi nào cũng có dòng sông chảy giữa dù đó là thành phố biển như Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Riêng Quy Nhơn thì không giống như vậy. Phù sa cho đất hầu như chẳng có gì nên việc chăm sóc cây xanh cũng phải khác với những nơi khác vậy.
Du khách đến Quy Nhơn cách đây chừng 10 năm sẽ rất ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những vườn cây xanh um, ngăn ngắt tươi trong lòng phố. Ngày ấy, tôi hay có dịp quay lại Quy Nhơn và lần nào cũng bất ngờ khi gặp những vỉa cây xanh mới, nhất là lần phát hiện dọc sân bay cũ đoạn mà bây giờ là đường Phạm Hùng bỗng nhiên lại mọc lên một cánh rừng. Dày cui cây xanh luôn mới lạ chứ. Đã vậy hàng cây ven vỉa hè, bông giấy cứ ôm lấy thân cây mà vươn cao, thoạt nhìn cứ ngỡ là những cây bông giấy khổng lồ trổ đặc bông. Cứ tưởng Công ty Công viên - Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn họ trồng cho kín đất, hóa ra không phải vậy. Phải đến hơn 10 năm sau, du khách mới vỡ vạc ra rằng, những “rừng” cây giữa lòng thành phố ấy như một “kho cây” dự trữ cho Quy Nhơn. Dấu vết còn lại của “khu rừng” ngày ấy giờ hầu như không còn nữa, thay vào đó là một không gian thoáng đãng đến bất ngờ. Đó là một dải công viên xinh xắn. Những vườn cây trong phố như thế ở Quy Nhơn không phải là hiếm. Phải có một cái nhìn xuyên thời gian đến vài chục năm thì mới có những vườn cây như vậy. Cứ mỗi lần đến thăm các đồng nghiệp ở Báo Bình Định tôi lại thầm khen cho những người trồng cây có cái nhìn xuyên thời gian của Quy Nhơn.
Cây xanh tràn ngập phố. Ảnh: HỒNG PHÚC
TẦM NHÌN XUYÊN THỜI GIAN
Ngột ngạt là cảm giác dễ nhận thấy nhất ở những thành phố đông dân cư hoặc đông khách du lịch. Nha Trang là một ví dụ. Nhưng đổ lỗi cho đông du khách để thành phố phải ngột ngạt, bức bí thì cũng không hẳn. Tựu trung vẫn là những nhà quản lý của thành phố biết đặt công tác quy hoạch lên hàng đầu. Tức là phải cho thành phố có một không gian để “thở”. Đà Nẵng vẫn là thành phố số 1 của miền Trung, cả về chiều kích địa lý lẫn dân số, song du khách đến Đà Nẵng, cảm giác thoáng đãng vẫn bao trùm lên từng góc phố, mỗi hàng cây. Quy Nhơn không phải là bản sao của Đà Nẵng nhưng tình thật là đến Quy Nhơn ở bất cứ góc phố nào cũng thấy dễ thở, mà nếu bạn chộp lấy một bức ảnh bất kỳ, ở một góc phố bất kỳ, tin là người xem sẽ chia sẻ cảm nhận ấy với bạn.
Trong bối cảnh “mỗi mét đất là một thước vàng” như hiện nay thì chuyện Quy Nhơn - Bình Định lại không “tham vàng” thật mới là chuyện đáng kể ra đây. Xin được hiểu nghĩa hẹp của từ này. Nghĩa là, các nhà quản lý ở Bình Định và Quy Nhơn từ những thế hệ trước và hiện nay vẫn luôn dành cho thành phố ấy một không gian dễ chịu. Quỹ đất hầu như đã cạn, ấy thế mà sau khi sân bay Quy Nhơn bàn giao cho thành phố, các nhà quản lý đã không đắn đo khi dành phần lớn diện tích “đất vàng” của khu này để làm “bãi cỏ thả diều” hoặc sân bóng đá cho lũ trẻ có chỗ mà vui chơi mỗi chiều. Nén nhịn trước miếng mồi thơm như vậy để làm tài sản chung cho dân, đó là một quyết định xuyên thời gian của những nhà lãnh đạo ở Bình Định. Nếu không có cái nhìn thoáng đãng, luôn mang tư duy “thành kính phân lô” thì khu sân bay Quy Nhơn sẽ không được như bây giờ. Hoặc dọc tuyến đường Xuân Diệu cũng vậy, du khách không bị che khuất tầm nhìn ra biển như một vài thành phố khác mà dư luận bấy lâu nay vẫn phàn nàn.
Tôi vẫn hay chụp ảnh, chỉ vì thích thế thôi chứ cũng chẳng có ý định làm gì. Lúc thì bằng máy ảnh, khi thì điện thoại. Đứng trước một không gian thoáng và xanh như thế chỉ chụp ảnh không thôi đã là quá đỗi… lãnh hiền. Tình cờ khi xem phâu đờ (folder) ấy, anh bạn tôi ở Hà Nội, thành phố được tán dương là cây xanh, hồ biếc… vuột mồm bảo, như thấy có ô xy nó phả ngùn ngụt mát lạnh lên mặt mũi mình ông ạ! Tôi không phải người Quy Nhơn, tôi chỉ là… rể Bình Định nhưng nghe anh nhận xét cũng râm ran sung sướng.
ĐIỂM NHẤN NÀO CHO QUY NHƠN
Nếu không có tầm nhìn mang tính chiến lược như thế thì cây xanh ở Quy Nhơn không có chỗ chen chân. Dù là những tuyến đường nằm trong “phố cổ” do lịch sử để lại hay những con đường vừa mới mở ra thì chỗ nào cũng có “đất” dành cho cây xanh. Mà cách trồng cây của thành phố này cũng khá bài bản: phố nào cây nấy chứ không trồng theo kiểu hễ thấy trống là nhét cây vào, bất luận nó là cây gì, miễn nó là… cây. Ngang qua một vài thành phố ở miền Trung có thấy cảnh tượng một con phố mà cả chục loại cây mới thấy sự bài bản của Quy Nhơn.
Bài bản là vậy, song hỏi “điểm nhấn” cho Quy Nhơn hiện nay nằm ở đâu thì sẽ rất khó để trả lời. Quy hoạch sân bay Quy Nhơn như thế thì quá chuẩn rồi, song bây giờ phải “trang điểm” như thế nào để khuôn mặt cô gái đẹp ấy càng khả ái hơn thì là công việc không dễ. Bao “triều” lãnh đạo Bình Định cứ loay hoay đi tìm “điểm nhấn” cho khu vực ấy. Cụm tượng hai cha con Bác Hồ xuất hiện nơi đây, dù mang ý nghĩa lịch sử, mang tiếng là một chỗ để du khách “không thể không ghé thăm” nhưng vẫn thấy thiêu thiếu, từ lâu tôi đồ rằng chút thiếu thiếu ấy là “dưỡng chất Bình Định”.
Bây giờ muốn hút du khách về mình, ngoài hạ tầng dịch vụ phải xịn, các nhà quy hoạch phải tìm cho ra “điểm nhấn” cho thành phố, để du khách khi đặt chân đến, thế nào cũng ghé thăm và để lại một vài tấm hình selfie thật ấn tượng, đặng có cái mà “nuôi phây” nữa.
Sau nhiều năm trăn trở, các nhà lãnh đạo đã tìm ra phương thức “mùa nào hoa nấy” cho thành phố này rồi. Thế tại sao những ô cỏ quanh khu vực công viên cụm tượng cha con Nguyễn Tất Thành ấy ta không trồng mỗi ô vài cây mai vàng nhỉ? Làm như thế để dăm ba năm nữa, cả khu vực này thành một rừng mai. Bình Định là thủ phủ mai vàng, lại có những chuyên gia hàng đầu về mai thì việc tạo điểm nhấn từ loài hoa này thật sự không khó.
Làm sao đó để du khách đến Quy Nhơn mỗi dịp xuân về thì cũng phải ghé “rừng mai” ấy mà… selfie vài tấm ảnh vậy. Đích thị đấy là “dưỡng chất Bình Định”, có phải thế không quê vợ tôi ơi!
TRẦN ĐĂNG