Võ Bình Ðịnh “phủ sóng” trời Âu
Hiện ở khá nhiều nước châu Âu có võ đường dạy võ cổ truyền Bình Định do các võ sư, HLV người bản xứ đứng lớp.
Để thúc đẩy võ cổ truyền Bình Định phát triển mạnh hơn, bằng nhiều cách khác nhau, một mặt nhiều võ sư Bình Định đã sang tận trời Tây để truyền dạy, tập huấn nâng cao, mặt khác nhiều võ sư của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài cũng chủ động tìm về Bình Định vừa để hành hương vừa nâng cao năng lực của mình.
Đoàn Sơn Long Quyền Thuật về giao lưu tại CLB võ thuật chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) trong Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII - Bình Định năm 2019.
MỐI DUYÊN BÌNH ĐỊNH - SƠN LONG QUYỀN THUẬT
Sơn Long Quyền Thuật do cố võ sư Nguyễn Đức Mộc (quê Bắc Ninh) sáng lập vào những năm giữa thế kỷ XX tại Pháp, hiện thu hút đến vài chục nghìn võ sinh tập luyện ở nhiều nước tại các châu lục, trong đó mạnh nhất là ở các nước châu Âu như Pháp, Thụy Sỹ, Đức, Ý, Áo... Có được điều này một phần nhờ vào nỗ lực vun bồi của võ sư Olivier Barbey, Trưởng môn Sơn Long Quyền Thuật. Và trong chặng đường phát triển của môn phái này, có sự đóng góp to lớn của các võ sư, HLV ở Bình Định.
Võ sư cao cấp Nguyễn Văn Cảnh, HLV nội dung hội thi của đội tuyển võ cổ truyền tỉnh (thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh), đã gắn bó truyền dạy cho Sơn Long Quyền Thuật từ khi anh còn là HLV lớp năng khiếu võ cổ truyền, cách đây hơn 28 năm. “Tôi được cử sang Pháp để truyền dạy võ cổ truyền Bình Định lần đầu tiên từ năm 1991, theo lời mời của Trưởng môn Nguyễn Đức Mộc muốn phát triển mạnh môn phái Sơn Long Quyền Thuật. Trong thời gian một tháng ở Pháp, tôi dạy bài quyền Ngọc trản và bài thương Lạc mã trùng dương cho khoảng 100 võ sinh, trong đó có anh Olivier Barbey từ Thụy Sỹ sang học. Đến năm 1997, khi thầy Mộc tuổi cao sức yếu và đau bệnh, môn phái có dấu hiệu đi xuống, Olivier Barbey đưa người bạn gái mà sau này là vợ cùng tìm về Bình Định xin luyện tập thêm võ cổ truyền khoảng 2 tháng, khi ấy tôi có tham gia truyền dạy. Năm 2003, môn phái này lại cử thêm một số HLV, võ sinh giỏi về Bình Định học hỏi thêm. Họ bị cuốn hút bởi sự đa dạng, độc đáo của võ cổ truyền Bình Định, đồng thời thấy phương pháp huấn luyện của tôi hiệu quả, nên từ năm 2007 đến năm 2017, cứ hai năm một lần thì tôi lại được mời sang dạy một đợt kéo dài 2 tháng ở Pháp và Thụy Sỹ, với số lượng người học ngày càng đông theo sự phát triển của Sơn Long Quyền Thuật”, võ sư cao cấp Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.
Gắn bó với võ cổ truyền Bình Định nên Sơn Long Quyền Thuật luôn là đoàn nước ngoài đông nhất đã nhiều lần hưởng ứng về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Gần đây nhất tại Liên hoan lần thứ VII vừa qua, có 11 đoàn quốc tế đến từ 11 nước, thì riêng Sơn Long Quyền Thuật do đích thân vợ chồng võ sư Olivier Barbey dẫn đầu, đã tập trung gần cả trăm võ sư, HLV, võ sinh của 5 đoàn đến từ 5 nước. Sơn Long Quyền Thuật về tham gia giao lưu, biểu diễn nhiều tiết mục đa dạng, đẹp mắt tại điểm giao lưu CLB võ thuật chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), nơi họ đã nhiều lần đến giao lưu, học hỏi.
Võ sư Olivier Barbey tâm sự: Võ cổ truyền Bình Định rất đặc sắc nên thầy Nguyễn Đức Mộc khi còn sống luôn khuyến khích chúng tôi luyện tập. Các thế hệ võ sinh, HLV, võ sư của Sơn Long Quyền Thuật đã được học nhiều bài từ sự truyền dạy của các HLV, võ sư Bình Định. Những gì thu nhận được thì từ thời thầy Mộc và sau này là đến thế hệ võ sư chúng tôi đã lồng ghép đưa các bài võ cổ truyền Bình Định vào chương trình đào tạo của môn phái, góp phần tạo thêm sức hút cho người học.
Võ sư cao cấp Nguyễn Văn Cảnh đang hướng dẫn cho nữ võ sinh người Nga Valeriya Ryabova tập luyện bài Tru hồn kiếm.
VÕ SINH NƯỚC NGA MÊ VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH
Liên đoàn Tinh Võ Đạo tại Nga hiện có gần 1.000 võ sinh đang luyện tập ở 4 thành phố lớn, trong đó có ở thủ đô Matxcơva. Võ phái ở xứ sở Bạch Dương đã tham gia tất cả 7 kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định (từ 2006 - 2019). Vào tháng 8 năm ngoái, họ còn về Bình Định để tập luyện, học hỏi thêm trước khi tham dự Giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội. Đây cũng là sự nhiệt tình tìm về “nguồn cội” khi võ sư Hồ Hoa Huệ, Chưởng môn Tinh Võ Đạo, là người quê gốc Tây Sơn - Bình Định.
Võ sư Valery Ryabova, Chủ tịch Liên đoàn Tinh Võ Đạo tại Nga, chia sẻ: “Theo lời khuyên của chưởng môn Hồ Hoa Huệ, chúng tôi đã nhiều lần về giao lưu, học hỏi các võ sư, HLV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định và ở các võ đường nổi tiếng của tỉnh. Sau đó, những bài võ cổ truyền Bình Định đã được chúng tôi truyền dạy lại cho nhiều võ sinh, động viên các cháu cố gắng luyện tập. Trong số các bài mà VĐV đoàn chúng tôi tham gia thi tại Liên hoan Tinh hoa Võ Việt quốc tế lần thứ II năm 2019 tại Bình Định, có hai bài Song phượng kiếm và tam khúc côn của võ cổ truyền Bình Định. Con gái tôi Valeriya Ryabova đã có niềm vui đoạt HCĐ tại Liên hoan này sau nhiều nỗ lực tập luyện bài Song phượng kiếm từ cách đây một năm”.
Sau khi kết thúc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII vào tối 11.8, đoàn Tinh Võ Đạo tại Nga tiếp tục ở lại Bình Định để học hỏi thêm. Sáng 14.8, có mặt tại nhà tập luyện của Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh, Võ sư Valery Ryabova ngồi say sưa theo dõi con gái Valeriya Ryabova tập bài Tru hồn kiếm dưới sự hướng dẫn của võ sư cao cấp Nguyễn Văn Cảnh. “Trước đây tôi đã dạy cho các võ sinh người Nga các bài Song phượng kiếm, U linh thương, đao lăng khiên, tam khúc côn... Lần này họ mong muốn được học bài Tru hồn kiếm xuất phát từ phái võ chùa Long Phước, với động tác kỹ thuật nhiều và khó, nên những người đã luyện tập võ cổ truyền từ 3-5 năm mới theo được. Nữ võ sinh Valeriya Ryabova thể hiện sự đam mê võ cổ truyền Bình Định, nên rất cố gắng luyện tập và tiếp thu nhanh. Mai mốt khi trở về nước Nga, cháu có thể chia sẻ dạy lại bài này cho các võ sinh khác để tiếp tục góp phần đưa võ cổ truyền Bình Định ngày càng lan tỏa rộng bên trời Tây... ”, võ sư cao cấp Nguyễn Văn Cảnh cho biết.
HOÀI THU