Y tế ngày càng hấp dẫn đầu tư tư nhân
Xu hướng đầu tư vào y tế được dự báo ngày càng phát triển bởi các yếu tố thu hút như: Tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe... Tại Bình Định, dù chưa phát triển mạnh, nhưng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế cũng đang chuyển động khá tích cực.
Đến nay, số cơ sở y tế ngoài công lập được cấp phép hơn 1.400 cơ sở, gần gấp đôi so với năm 2015. Y tế tư nhân không chỉ tạo điều kiện “chia lửa”, mà còn tác động tích cực đến khối y tế công lập trong cuộc cạnh tranh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân.
BVĐK tỉnh - Phần mở rộng tập trung phát triển 3 mũi nhọn: sản khoa, ngoại khoa và can thiệp tim mạch.
- Trong ảnh: Ca phẫu thuật can thiệp tim mạch tại bệnh viện.
HIỆN THỰC HÓA MÔ HÌNH “BỆNH VIỆN KHÁCH SẠN”
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, y tế tư nhân có vai trò cực kỳ quan trọng, đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt lĩnh vực khám chữa bệnh. Y tế tư nhân “ghi điểm” về chất lượng dịch vụ, với tinh thần thái độ phục vụ khiến người dân hài lòng.
“Ðiểm đáng chú ý là các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân có nhiều cách thức hoạt động theo hướng vừa mở rộng chuyên khoa, vừa chú trọng phát triển kỹ thuật mũi nhọn. Bên cạnh đội ngũ bác sĩ chính của tỉnh, các cơ sở đã chủ động hợp tác với các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành để nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, thu hút và đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
Tại Bình Định, năm 2001, BVĐK Hòa Bình là đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên về mô hình bệnh viện tư nhân. Bệnh viện này nay đã có 100 giường bệnh tăng gấp đôi so với ngày mới ra đời. Nhưng, dấu ấn quan trọng trong xã hội hóa y tế chính là BVĐK tỉnh - Phần mở rộng hình thành trên cơ sở liên kết y tế công - tư, từng bước hiện thực hóa mô hình “bệnh viện khách sạn” đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân. Trong khi đó, các phòng khám đa khoa tư nhân phát triển thế mạnh giải quyết lượng bệnh nhân ngoại trú rất lớn.
Đáng chú ý, nhiều vấn đề khối y tế tư nhân giải quyết rất tốt, trong khi khối công lập không thể thực hiện được vì vướng víu cơ chế. Hiện nay, khối Sản được BVĐK tỉnh - Phần mở rộng tập trung phát triển là 1 trong 3 mũi nhọn (cùng với ngoại khoa, can thiệp tim mạch), giải quyết được nhu cầu rất bức bách của xã hội. Theo bác sĩ Đỗ Văn Tâm, Trưởng khoa Sản, bệnh nhân nội trú của khoa đạt 80 - 90 người/ngày, giường bệnh sử dụng luôn hết công suất. “Chúng tôi hướng đến không dùng kháng sinh trong phẫu thuật sản khoa, thay vào đó chú trọng khâu chăm sóc và hậu phẫu. Đây là điểm khác biệt rất lớn với các cơ sở y tế khối công lập, giúp bệnh viện phát triển theo hướng chất lượng, cung ứng dịch vụ y tế tốt nhất đi cùng sự hài lòng của bệnh nhân”, bác sĩ Tâm cho biết.
Trong khi đó, Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Phúc (TP Quy Nhơn) lại là mô hình kết hợp giữa đội ngũ bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài tỉnh, khi hợp tác với các bệnh viện đến từ TP Hồ Chí Minh, như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Quốc tế Nam Sài Gòn… “Song song với đầu tư chuyên sâu về phát triển và ứng dụng trang thiết bị y tế công nghệ cao trong khám chữa bệnh, chúng tôi đã hợp đồng nhận hỗ trợ chuyên môn dài hạn với các giáo sư, bác sĩ giỏi từ các bệnh viện lớn nhằm đưa các dịch y tế tốt nhất về Bình Định, hạn chế người bệnh phải đi vào các trung tâm thành phố lớn, vừa tốn kém vừa mất thời gian”, bà Hoàng Thúy Linh - Giám đốc Phòng khám, chia sẻ.
CHƯA HẲN “TRƠN TRU”
Theo Dược sĩ CKII Võ Song Vân, Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP BVĐK Bình Định, cái khó lớn nhất để phát triển y tế tư nhân chính là đội ngũ nhân lực trình độ cao, đặc biệt bác sĩ giỏi. Chưa kể, những “khúc quanh” về cơ chế chính sách cũng hạn chế thu hút đầu tư y tế.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế lý giải, chính sách y tế hiện tại tạo thuận lợi cho khối tư nhân, nhưng chủ yếu vẫn là đầu tư vay vốn, trong khi chính sách về nhân lực còn nhiều vướng mắc. Vai trò và độ rộng thì tốt rồi, nhưng để phát triển hơn nữa, y tế tư nhân ở Bình Định cần rất nhiều nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Thị Thu - Giám đốc BVĐK Hòa Bình, phân tích: “Các nghị định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao nói rõ về việc tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển. Nói thì vậy, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để được hưởng chính sách ưu đãi”.
Mô hình kết hợp đội ngũ bác sĩ, chuyên gia của các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh được nhiều cơ sở y tế tư nhân phát triển, trong đó có Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Phúc (Quy Nhơn).
TIẾP TỤC MỞ ĐỂ Y TẾ TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN
Dù còn nhiều khó khăn, song ông Lê Quang Hùng khẳng định Bình Định có sức hút với các nhà đầu tư y tế tư nhân khi tỉnh có nhiều lợi thế về quỹ đất, thủ tục hành chính nhanh gọn, chính sách thu hút tốt… Gần nhất là UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Bệnh viện chuyên khoa mắt kỹ thuật cao diện tích 10.000 m2 tại khu đô thị Long Vân (TP Quy Nhơn) cho nhà đầu tư đến từ Gia Lai.
Trong Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2025 (điều chỉnh, bổ sung) của UBND tỉnh năm 2017, tỉnh có kế hoạch xây dựng và thành lập mới Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 500 giường bệnh theo mô hình xã hội hóa hoặc phối hợp y tế công - tư. Xây dựng và thành lập mới Bệnh viện Nhơn Hội quy mô 100 giường tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Thành lập Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 tại BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn theo mô hình xã hội hóa hoặc phối hợp y tế công - tư. Cùng với đó, xây dựng và thành lập mới BVĐK khu vực quy mô 700 giường bệnh tại khu đô thị mới Long Vân (TP Quy Nhơn). Bố trí quỹ đất phù hợp để nhà đầu tư xây dựng cơ sở y tế phục vụ cho Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh).
“Chủ trương của tỉnh là khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các bệnh viện ngoài công lập tại các vùng đô thị, khu công nghiệp - dịch vụ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh”, ông Lê Quang Hùng khẳng định.
MAI HOÀNG