Trên công trình hồ Ðồng Mít
* Ghi chép của PHẠM TIẾN SỸ
Ngay sau buổi lễ khởi công (24.2.2019), các đơn vị thực hiện Dự án hồ chứa nước Đồng Mít thuộc địa bàn xã An Trung, huyện An Lão nhanh chóng vào việc. Từ đó đến nay, không khí lao động tại công trường vẫn rất khẩn trương.
Công trường thi công hồ chứa nước Đồng Mít nằm lọt thỏm giữa thung lũng được bao bọc bởi núi rừng. Mới sáng sớm, nắng nóng đã hừng hực, âm thanh phát ra từ động cơ của máy đào, máy trộn, máy khoan vang dội cả núi rừng.
Công trình hồ chứa nước Đồng Mít nhìn từ trên cao, lãnh đạo Công ty CP Xây dựng 47 luôn có mặt tại hiện trường để chỉ đạo thi công.
Thi công thâu đêm, suỐt sáng
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng 47 Đinh Tấn Dương dẫn tôi đến phía tả dòng sông, nơi có hàng chục công nhân đang hì hục lắp đặt và hàn gắn những tấm sắt vào hàng thép đứng tua tủa, giới thiệu: Các công nhân đang thi công cống dẫn dòng - một trong những hạng mục quan trọng đầu tiên của đập chính hồ chứa. Công trình này khá phức tạp, nên chúng tôi huy động công nhân có tay nghề, kỹ thuật cao để thực hiện. Chừng một tuần nữa, cống dẫn dòng sẽ xong.
Hồ chứa nước Ðồng Mít có dung tích 90 triệu m3, được thực hiện từ năm 2017 - 2021, với tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng. Khi hoàn thành, hồ Ðồng Mít sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 276 nghìn người; phục vụ tưới cho 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du các huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ; tạo nguồn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 267 ha; cấp nước cho công nghiệp 230 ha; cải thiện môi trường sinh thái, tạo độ ẩm và chống xâm nhập mặn, giảm lũ cho vùng hạ lưu; kết hợp xây dựng nhà máy phát điện có công suất 7 MW.
Từ trên cao, anh công nhân ngừng mỏ hàn, nói vọng xuống: Anh ơi, chụp cho chúng em tấm hình làm kỷ niệm. Cả nhóm công nhân đang thi công cười vang lên, nắng oi ả dường như dịu xuống.
Chia tay nhóm công nhân vui tính, chúng tôi đến khu vực xây dựng móng đập. Móng đập ruộng chừng 2.400 m2 đã được phủ một lớp bê tông dày. Giám đốc điều hành công trình hồ chứa nước Đồng Mít Nguyễn Xuân Cần ngừng chỉ đạo công nhân thu dọn vật liệu, bắt tay chúng tôi cười xởi lởi: “Tưởng nhà báo chỉ gọi để nắm biết thông tin, ai ngờ anh lên tới chân công trình luôn. Nhưng mà có đến nơi mới thấy sự hoành tráng của công trình và tinh thần lao động của anh em chúng tôi. Anh thấy đấy, địa hình đồi dốc phức tạp, mặt bằng chật hẹp, thời tiết nắng nóng gay gắt, trong khi áp lực về khối lượng công việc rất lớn, nên tất thảy phải tập trung cao độ. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi vừa phải tạo mặt bằng, làm đường giao thông, đào hơn 120 nghìn m3 đất để thi công cống dẫn. Móng đập dài 353 m, phần đáy móng đập rộng nhất là 50 m đã xong, với khối lượng đất đào 501 nghìn m3 và đã đổ bê tông được gần 12.000 m3. Đến giờ, mọi việc vẫn trôi chảy, đảm bảo đáp ứng chính xác yêu cầu của chủ đầu tư. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị phương tiện, máy móc, vật liệu để tối đến đổ bê tông đầm lăn móng đập trên diện tích 2.400 m2”.
Tôi thắc mắc: “Ban ngày, trời sáng, các anh không đổ bê tông mà lại phải để đến tối mới thực hiện?” Anh Cần giải thích ngay: “Nhiệt độ của bê tông móng đập bằng đầm lăn buộc phải đảm bảo dưới 270C. Trong khi đó nhiệt độ của đá, xi măng thời điểm này đã lên trên 300C, khi trộn vật liệu với nước thì nhiệt độ còn tăng thêm một ít nữa. Với tần suất mỗi giờ đổ 150 m3 bê tông đầm lăn xuống móng đập, nhiệt tỏa ra rất lớn sẽ làm cho bê tông bị nứt gãy. Chính vì vậy, chúng tôi phải sử dụng đá lạnh để hạ nhiệt và đổ bê tông vào ban đêm để đưa nhiệt độ bê tông nguyên liệu về đúng với yêu cầu kỹ thuật. Tối nay mời anh thực chứng nhé!”.
Thời tiết ở An Trung về đêm dễ chịu hơn. Công trường rực sáng ánh điện, công nhân, phương tiện, máy móc đã sẵn sàng. 22 giờ, chiếc xe tải đầu tiên vận chuyển vật liệu đến cũng là lúc hoạt động đổ bê tông đầm lăn móng đập bắt đầu. Những câu khẩu lệnh thi công ngắn đanh, tiếng xe múc, xe lu ì ầm, bê tông trút xuống ào ào, núi rừng như rùng rùng chuyển động theo. 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trở lại công trường, không khí lao động vẫn rất khẩn trương, móng đập đã được phủ bê tông cao dần.
Địa hình thi công đèo dốc, phức tạp.
ĐẨy nhanh tiẾn đỘ, giám sát chẶt chẼ
Dự án Hồ chứa nước Đồng Mít là công trình thủy lợi lớn thứ ba của tỉnh. Lợi ích của hồ chứa này mang lại là rất lớn, nên UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Đầu năm 2019, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chia sẻ và động viên các hộ gia đình ở xã An Dũng, An Trung bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương vận dụng cơ chế chính sách tốt nhất để hỗ trợ, chăm lo đời sống sản xuất cho người dân, đảm bảo nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
“Công trình hồ chứa nước Đồng Mít là công trình trọng điểm của tỉnh. Vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh, chính quyền huyện An Lão tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT thực hiện tốt Dự án, sớm đưa công trình vào sử dụng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết.
Không chỉ lớn về quy mô, hồ chứa nước Đồng Mít còn phức tạp về kỹ thuật, trong khi thời gian thi công ngắn, yêu cầu tiến độ rất căng thẳng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 (Bộ NN&PTNT) đơn vị chủ đầu tư, cho hay: “Để đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình, chúng tôi luôn bám sát hiện trường để giám sát thi công, quản lý chất lượng, khối lượng, vệ sinh môi trường và an toàn lao động theo quy định. Chủ động phối hợp với địa phương, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những đổi thay phát sinh trong quá trình thi công. Hiện chúng tôi đang đôn đốc các nhà thầu thực hiện tốt đợt ký kết thi đua thứ 2, từ đầu tháng 9.2020 đến cuối tháng 12.2021 tiếp tục thi công hoàn thành công trình đúng hồ sơ thiết kế để bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Rời công trình khi nắng đã lên cao, tôi mường tượng đến một công trình thủy lợi hoành tráng mọc lên giữa đại ngàn; dòng sông An Lão với nguồn nước trong xanh chảy ngang qua những ngôi làng trù phú.
P.T.S