Hầm bí mật & ngọn đèn dầu trong lòng địch
Những ngày sau Tết Mậu Thân, xóm làng xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước tiêu điều do địch phản kích. Mới ngày nào ở đây có các tiểu đoàn 4, 5 của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, tiểu đoàn 300 đặc công Quân khu V, tiểu đoàn 50 của Tỉnh đội Bình Định đóng quân, thế mà ngày 20.4.1968, quân Nam Hàn đã mở trận càn quét quy mô lớn vào xã Phước Sơn gây cho ta nhiều tổn thất. Quân chủ lực phá vây về lại Tây QL 1 ở Phù Cát, tiểu đoàn 50 về núi Bà, chỉ còn lại đội công tác xã Phước Sơn không đến 10 người do anh Hoàng Văn Tuyển làm bí thư.
Hang đá Kỳ Sơn (Tuy Phước) căn cứ lực lượng cách mạng trong chống Mỹ. Ảnh tư liệu của huyện Tuy Phước
Quân Nam Hàn cùng quân đội Sài Gòn đóng quân khắp xã, dưới đầm Thị Nại bobo của Mỹ tuần tra liên tục. Đội công tác xã tạm thời trú ẩn bên Hội Thành, Hội Giáo - xã Nhơn Lý (nay thuộc xã Nhơn Hội). Qua một tháng, lương thực gần hết phải nấu cháo với ít gạo cùng khoai môn, rau má mọc hoang ăn cầm chừng. Anh Tuyển quyết định phải về lại xã, về lại với dân dù có phải hy sinh. Anh cùng với các đồng chí trong đội công tác vượt đầm Thị Nại về móc nối lại cơ sở cách mạng. Những ngày đầu, ban ngày phải ở lại ngoài bờ sông dưới những lùm tre để tránh địch lùng sục, ban đêm bí mật về lại xóm làng móc nối quần chúng tốt để gây dựng lại phong trào.
“Chính những căn hầm và những ngọn đèn dầu trong lòng dân kiên trung với Cách Mạng mà đội công tác của Phước Sơn đã lập nên những chiến công lẫy lừng làm cho địch phải khiếp vía.”
Khi móc nối được cơ sở, ban đầu ở trong buồng để lúa của dân hoặc sau hè tủ rơm lên, làm hầm nổi bằng cách bọc gạch táp - lô bên ngoài. Nhưng không ở mãi thế này được khi địch thường xuyên lục soát, dễ bị lộ. Phải làm hầm bí mật mà ở, đó là nghị quyết của chi bộ. Vì ở trong lòng địch nên đào hầm phải xong trong đêm. Hầm trong nhà có, ngoài vườn có, ngoài bờ sông, trên núi đều có. Chỉ trong vòng 3 tháng mà hàng chục hầm bí mật được hình thành ở khắp nơi trong xã, có hầm chỉ cách đồn Nam Hàn 100 m. Đây là những căn hầm bí mật không chỉ cho đội công tác xã ở mà còn cả lãnh đạo huyện ủy, cán bộ trên tỉnh về xã công tác cũng như bộ đội về giúp đội công tác xã diệt ác, phá kìm, gây dựng phong trào cách mạng.
Những ngày trăng lên, đội công tác về đầm Thị Nại để sinh hoạt, kiểm điểm đợt công tác và bàn hướng hoạt động vào những đêm tối trời. Từ đầm Thị Nại vào đến xóm dân là một nỗi gian truân, nhất là mùa đông giá rét mò mẫm trong đêm tối đề phòng địch phục kích. Địch phục kích ngoài đồng thì ta có thể phát hiện, nhưng khó là chúng phục kích trong xóm, trong nhà dân.
Vậy là phải nghĩ ra cách để cơ sở báo hiệu cho ta, đó là thắp ngọn đèn dầu.
Đêm nào có thấy ánh đèn leo lét trong nhà cơ sở là đêm đó không có địch. Những ngọn đèn dầu đêm đêm được thắp sáng là ngọn đèn đứng gác chỉ lối cho chúng tôi về, cứ thấy ánh đèn le lói trong đêm là lòng anh em như ấm lại, đó là tín hiệu báo an toàn cho chúng tôi khi về với bà con, với phong trào cách mạng đang hồi phục sau những đợt càn quét của địch. Đêm nào đèn không sáng là chúng tôi không được vào xóm vì lối đó địch đang phục kích hay bố ráp, chúng tôi lại chuyển hướng về núi Kỳ Sơn nơi căn cứ dự phòng của Đội công tác.
Ông Lê Văn Tâm về thăm cơ sở nuôi giấu cách mạng tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Chính những căn hầm và những ngọn đèn dầu trong lòng dân kiên trung với Cách Mạng mà đội công tác của Phước Sơn đã lập nên những chiến công lẫy lừng làm cho địch phải khiếp vía. Địch phải treo giải thưởng cả trăm nghìn đồng (trị giá hàng chục cây vàng) nếu ai chỉ nơi ở hoặc giết chết ông Hoàng Văn Tuyển.
Có sống và chiến đấu trong những ngày gian khổ và ác liệt trong kháng chiến mới thấy hết những tấm lòng kiên trung của người dân với Cách Mạng. Vậy nên, chúng ta những người còn sống và thế hệ trẻ hôm nay phải cố gắng hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
LÊ VĂN TÂM