Ký ức về “Tết Độc lập” năm 1975
44 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh, câu chuyện về ngày Quốc khánh đầu tiên sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 2.9.1975, vẫn vẹn nguyên trong ký ức những cán bộ, cựu chiến binh từng tham dự, chứng kiến.
Lễ duyệt binh lịch sử được tổ chức vào ngày 2.9.1975 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TƯ LIỆU
KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông Hoàng Quang Đạo (80 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Thời điểm diễn ra kỷ niệm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1975, ông Đạo là Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định. “Ngày hôm ấy, tiếng cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn khi lần đầu tiên, người dân Bình Định nói riêng và cả nước nói chung được đón mừng ngày Quốc khánh khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Lễ kỷ niệm được tổ chức đúng vào ngày 2.9 tại sân vận động Quy Nhơn, cờ hoa rợp phố, từng dòng người nô nức hát vang những bài ca cách mạng và kéo đến dự lễ chật kín cả sân vận động”, ông Đạo kể.
Theo ông Đạo, thời điểm diễn ra kỷ niệm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1975 đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên càng thêm ý nghĩa. Lễ kỷ niệm nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, tinh thần tự lực tự cường, ý chí độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta, thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, quyết tâm thực hiện điều mong muốn của Người là toàn Đảng toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đồng thời, giáo dục rộng rãi các tầng lớp nhân dân ý nghĩa to lớn của thắng lợi vĩ đại đã giành được, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc, giáo dục tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân, động viên quần chúng hăng hái tham gia xây dựng chính quyền các cấp, giữ vững trật tự trị an, phục hồi sản xuất ổn định đời sống.
Ông Hoàng Quang Đạo nhớ lại lễ kỷ niệm Quốc khánh 2.9.1975 được tổ chức tại sân vận động Quy Nhơn.
“Sau buổi lễ mỗi người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Không khí làm việc khẩn trương, hối hả hơn để xây dựng quê hương, đất nước sau những mất mát, đau thương trong chiến tranh”, ông Đạo nhớ lại.
Ông Đinh Bình Định (75 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) nguyên là Giám đốc Đài PT-TH Bình Định, người trực tiếp quay phim lễ kỷ niệm Quốc khánh 2.9.1975 tại sân vận động Quy Nhơn, nói đó là ký ức của những năm tháng không thể nào quên. “Những đoàn người nối dài, cờ hoa rợp phố. Họ cùng nắm tay nhau, hát vang. Nụ cười rạng rỡ trên môi những người trẻ, nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt người già. Sân vận động Quy Nhơn chật kín người, một không khí mà mãi sau này tôi chưa được chứng kiến lại như ngày hôm ấy”, ông Định nói.
CUỘC DUYỆT BINH LỊCH SỬ
Ông Phạm Chí Công (94 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), nguyên quyền Chủ tịch UBND tỉnh, không tham dự lễ kỷ niệm ngày 2.9.1975 tại Bình Định mà dự lễ tại Thủ đô Hà Nội, nhớ lại: “Tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Bình Định về Thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2.9.1975 sau khi đất nước thống nhất. Tôi đã chứng kiến một lễ duyệt binh và diễu binh lịch sử. Tham gia duyệt binh có đầy đủ quân binh chủng với các loại vũ khí, khí tài. Trên trời máy bay chiến đấu bay qua bay lại mấy vòng chào mừng. Thêm vào đó, các tầng lớp trí thức, công nhân Thủ đô tham gia diễu hành đã biến lễ duyệt binh thành ngày hội non sông. Người dân các tỉnh ùn ùn đổ về Hà Nội. Họ đi xe khách, xe đạp thồ còn thanh niên thì cuốc bộ. Hà Nội đông nghẹt người vì ngoài xem duyệt binh, bắn pháo hoa mừng đất nước thống nhất, bà con muốn được viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khánh thành ngày 29.8.1975”.
Ông Phạm Chí Công kể về lễ duyệt binh lịch sử được tổ chức ngày 2.9.1975 tại Thủ đô Hà Nội.
CCB Hoàng Minh Tùng (87 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) cho hay: “Thời điểm diễn ra Quốc khánh 2.9.1975, tôi đang công tác ở Hà Nội nên tận mắt chứng kiến buổi duyệt binh không chỉ có ở quảng trường, mà còn kéo dài ra tận nhiều tuyến phố quanh bờ hồ Hoàn Kiếm”.
Còn CCB, đại tá Phùng Ngọc Diệp (78 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn), từng chia sẻ: Đang làm nhiệm vụ ở đường mòn Hồ Chí Minh thì tháng 1.1975, ông được điều về Thanh Hóa làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 216 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, với nhiệm vụ tuyển 1.000 quân, tổ chức huấn luyện để đưa vào Nam chiến đấu. Tháng 3.1975, đơn vị tuyển đủ quân và tổ chức huấn luyện nhưng ngày 30.4.1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên được lệnh không hành quân vào Nam mà giao nhiệm vụ chuẩn bị công tác phục vụ Lễ duyệt binh ngày 2.9.1975. Đây là lễ duyệt binh hoành tráng, quy mô nhất mà ông trực tiếp tham gia.
NGUYỄN PHÚC