Nghĩ về công cuộc cải cách hành chính nhà nước hiện nay
Thời gian gần đây, cải cách hành chính nhà nước với những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, PV Báo Bình Định đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Công vụ là phục vụ người dân, lo cho dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính.
- Trong ảnh: Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.
* Ông LÂM HẢI GIANG - Giám đốc Sở Nội vụ:
Lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính trong thực thi công vụ
Công vụ là loại hoạt động đặc thù mang tính quyền lực - pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc những người được nhà nước trao quyền trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Mục tiêu của công vụ là phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân.
Văn hóa công vụ với nội hàm là những giá trị cơ bản của hoạt động công vụ, của người thực thi công vụ, của một tổ chức hay rộng hơn là của cả quốc gia có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Ngày 27.12.2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Văn hóa công vụ”. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để cụ thể hóa các quy định chuẩn mực về văn hóa công vụ hướng tới mục tiêu xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động, hiệu quả”.
Trong những năm qua, chúng ta luôn đề cao những giá trị “cần, kiệm, liêm, chính” đối với những người làm việc trong khu vực công theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, những giá trị mà văn hóa công sở cần tập trung xây dựng là tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, không thiên vị, không vụ lợi. Công vụ là phục vụ người dân, lo cho dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính. Đội ngũ cán bộ, công chức cần thực hiện nhiệm vụ một cách trong sáng, tận tụy, không vụ lợi. Mọi hoạt động phải được công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của dân.
Với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ thì giá trị phục vụ là một trong các giá trị cơ bản cốt lõi của văn hóa công vụ. Cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Coi đây là trách nhiệm, là bổn phận của mình và được thực hiện một cách tự giác, như lời Bác Hồ từng căn dặn: “Chính phủ phải lo cho dân, làm cho dân, nếu Chính phủ sai thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, và “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
* Th.S TRẦN THỊ TUYẾT - Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh:
Cải cách hành chính là yêu cầu tất yếu khách quan
Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, cải cách hành chính (CCHC) là một yêu cầu tất yếu khách quan và cấp bách, xuất phát từ thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là từ thực trạng yếu kém của nền hành chính. Sự phân công, phân cấp giữa các ngành và các cấp chưa thật rành mạch. Hệ thống thể chế hành chính chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; trật tự, kỷ cương chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; phương thức quản lý hành chính vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán, chưa thông suốt; chưa có những cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; phong cách làm việc chậm đổi mới; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Bộ máy hành chính ở các địa phương và cơ sở chưa thực sự gắn bó với dân, không nắm chắc được những vấn đề nổi cộm trên địa bàn, lúng túng, bị động khi xử lý các tình huống phức tạp. Chế độ quản lý tài chính không phù hợp với cơ chế thị trường; việc sử dụng và quản lý nguồn tài chính công chưa chặt chẽ, lãng phí và kém hiệu quả.
CCHC nhà nước còn xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bộ máy hành chính phải vận động nhanh nhạy hơn để tăng cường khả năng cạnh tranh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập. Thể chế hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức phải thích ứng với pháp luật và thông lệ quốc tế; đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, CCHC nhà nước xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Nhân dân đòi hỏi và mong muốn được yên ổn sinh sống, sản xuất kinh doanh trong môi trường ANTT và dân chủ; được đảm bảo cung cấp các dịch vụ công đầy đủ và chất lượng. Nền hành chính nhà nước có trách nhiệm trực tiếp trong việc đáp ứng những yêu cầu đó.
* Th.S CAO KỲ NAM - Giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn:
Rất cần sự tiên phong, gương mẫu
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến CCHC nhà nước và luôn xem đó là hoạt động tất yếu, khách quan và cấp bách để phát triển. CCHC nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, đổi mới, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và nâng cao chất lượng phục vụ công dân.
CCHC ở nước ta có những đặc trưng rõ nét là: do duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; được triển khai trên diện rộng, ở tất cả các cấp hành chính và được tiến hành đồng thời cùng nhiều nội dung cải cách khác nhau như tư pháp, giáo dục, kinh tế… Những đặc trưng này vừa bộc lộ ưu điểm vừa có những thách thức cần quan tâm giải quyết.
Kể từ khi có Nghị quyết 30c của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước thì nội hàm của khái niệm CCHC nhà nước trở nên khá rộng, bao gồm cải cách: thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Mỗi nội dung là một nhiệm vụ lớn, muốn thực hiện nhiệm vụ tốt rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và công dân.
Mỗi nhiệm vụ trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước cần những giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy giải pháp chủ đạo cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng cách hoàn thiện nhận thức, ổn định cơ cấu, phát triển chất lượng và tạo môi trường hoạt động công vụ tốt. Trong đó, then chốt là chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực làm việc.
Và chắc chắn, cải cách khó tránh khỏi những xung đột, sự đấu tranh, giằng co giữa cái mới và cái cũ. Vì thế, rất cần sự tiên phong, gương mẫu của cấp trên đối với cấp dưới, của Trung ương đối với địa phương, của thủ trưởng đối với nhân viên trong việc mạnh dạn xóa bỏ những tư duy cũ kỹ, những thói quen và lề lối làm việc lạc hậu. Phải mạnh dạn xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”, chuyển sang cơ chế phục vụ, phát huy dân chủ thực sự, có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, lấy yếu tố đầu ra làm thước đo để đánh giá người và việc.
MAI LÂM (Ghi)